Có 2 câu hỏi thảo luận chính được đặt ra tại phiên họp thứ 4 của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về đổi mới chương trình, sách giáo khoa hôm 2.8 là tiếp tục kiên định đi theo con đường mới (chương trình GDPT 2018) hay “lối cũ ta về” quay lại con đường cũ (chương trình 2006)? Nên xã hội hóa sách giáo khoa để đa dạng hóa tài liệu giảng dạy hay có một bộ sách giáo khoa thống nhất?
Là giảng viên sư phạm khoa học tự nhiên khoa Giáo dục phổ thông, tôi có một số ý kiến như sau:
Kiên định đổi mới nhưng phải tìm cách khắc phục những bất cập
Chương trình 2006 được thiết kế theo quan điểm quy giản luận, đưa mọi thứ từ phức tạp về dạng đơn giản và cơ bản nhất rồi đi sâu vào tìm hiểu bản chất của những điều cơ bản này. Đây là cách tiếp cận chung của nền giáo dục trên toàn thế giới thế kỷ 20, chia khoa học tự nhiên (KHTN) thành các ngành khoa học cơ bản, gồm vật lý, hóa học và sinh học.
Đội ngũ giáo viên được đào tạo sư phạm theo hướng này, mỗi người chỉ có thể dạy một môn theo đúng chuyên môn. Mô hình giáo dục 2006 có nhiều ưu điểm nhưng đã dần trở nên bất cập, thể hiện rõ nét qua câu chuyện “thầy bói xem voi”. Con voi trong câu chuyện là môn KHTN, các bộ phận của voi là các ngành khoa học đơn lẻ.
Sang thế kỷ 21, khoa học phát triển rất mạnh mẽ, giải Nobel hàng năm được trao cho các nghiên cứu, phát kiến được xem là “kỳ lạ”, lần lượt hoàn thiện hoặc phủ định các quy luật cũ. Ranh giới giữa các ngành khoa học đơn lẻ dần bị xóa mờ, thậm chí hoàn toàn biến mất. Dữ liệu thực nghiệm trong nhiều lĩnh vực cùng bổ sung cho nhau, là minh chứng thực tiễn khiến con người không thể không thay đổi cách nhận thức về thế giới xung quanh.
Do đó, giáo dục phải đổi mới, chuyển sang quan điểm phức hợp luận, nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, trong mối tương quan với các yếu tố khác. Trong thực tế, hầu hết các sự vật, hiện tượng đều vận hành theo nguyên lý phức hợp. Chẳng hạn, sử dụng vật liệu, nguyên nhân bệnh tật, điều kiện thời tiết, biến động kinh tế, xu hướng xã hội, tác động môi trường… chỉ có thể đúng khi xem xét ở quan điểm phức hợp. Phức hợp luận phát triển thành ngành khoa học phức hợp (complex science), được xem là cách tiếp cận hiện đại của loài người về mọi vấn đề ở thế kỷ 21.
Hình thức dạy học KHTN tích hợp trong khung chương trình GDPT của các quốc gia trên thế giới
- Tại Phần Lan, chương trình được đổi mới năm 2014, áp dụng chính thức năm 2016 từ lớp 1 đến lớp 6, năm 2019 từ lớp 7 đến lớp 9.
- Chương trình cũ của Anh được xây dựng năm 1999, chương trình mới xây dựng năm 2013, áp dụng ngay vào năm học 2014-2015 cho học sinh lớp 1, các lớp khác vẫn học chương trình cũ 1999.
- Đức áp dụng từ năm học 2011-2012.
- Singapore áp dụng năm học 2013-2014.
- Mỹ áp dụng năm học 2014-2015.
Nội dung chương trình môn KHTN của những quốc gia kể trên bao gồm các kiến thức về phương pháp khoa học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất, công nghệ thiết kế… thể hiện dưới dạng các chủ đề tích hợp như ở Việt Nam hiện nay.
Như vậy, việc đổi mới giáo dục ở Việt Nam giai đoạn năm học 2019-2020 là hướng đi kịp thời, phù hợp với xu thế giáo dục. Chương trình GDPT 2018 nói chung, thiết kế môn KHTN tích hợp nói riêng đã tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Vì thế, Việt Nam phải kiên định thực hiện nhưng tìm cách khắc phục bất cập, cùng đạt được mục tiêu giáo dục theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa hiện nay.
Nên chăng có một bộ sách giáo khoa môn KHTN thống nhất?
Theo chương trình mới, môn KHTN được thiết kế rộng nhưng không sâu. Mục tiêu giúp học sinh nhìn nhận vấn đề, sự vật, hiện tượng xung quanh đúng bản chất tự nhiên phức hợp. Bản chất môn KHTN không phải là sự cộng gộp cơ học từ các môn lý, hóa, sinh. Chương trình mới được thiết kế, chia thành 6 mạch nội dung. Do đó, giáo viên dạy KHTN phải hiểu mạch nội dung trong mối quan hệ hữu cơ giữa các khối kiến thức khác nhau.
Mạch nội dung thứ nhất của môn KHTN dạy về phương pháp khoa học, giúp học sinh biết “cách đúng” trong tiếp cận và giải quyết vấn đề. Nếu giáo dục nặng tính lý thuyết thì người học sẽ thiếu kỹ năng và thói quen làm việc với số liệu, xử lý vấn đề dựa trên minh chứng. Vì vậy, giáo viên phải chuyển từ kiểu dạy thuyết trình, sang vai trò là người hướng dẫn phương pháp, giúp học sinh thực hiện yêu cầu học tập theo mục tiêu bài học.
Chẳng hạn, khi tìm hiểu con voi, học sinh không chỉ quan sát rồi rút ra kết luận con voi rất to. Học sinh phải biết làm phép tính, so sánh tỷ lệ với một số con vật khác, hoặc đo chiều cao, cân nặng… để lập luận, chứng minh kết luận của mình. Với cách làm việc khoa học, các em ngay từ nhỏ đã hình thành thói quen tôn trọng số liệu, không hành xử cảm tính, kết luận dựa trên kinh nghiệm phán đoán và tư duy đám đông. Kết quả học tập theo phương pháp khoa học mới có giá trị thực tiễn, khi ứng dụng vào cuộc sống, học sinh sẽ biết tư duy phản biện.
Sách giáo khoa là nguồn học liệu mở, giáo viên toàn quyền chọn lọc kiến thức phù hợp, mạnh dạn loại bỏ các phần rườm rà, không cần thiết với bối cảnh nội dung. Thông tin không cần nhiều nhưng phải chính xác, để dẫn dắt mạch nội dung thành câu chuyện có ý nghĩa và hấp dẫn với người học. Làm được điều này hoàn toàn không dễ.
Bên cạnh đó, chương trình GDPT tổng thể do Bộ GD-ĐT ban hành và các bộ sách giáo khoa có độ chênh rất lớn. Các sách được soạn theo hình thức cắt nhỏ mạch nội dung lớn thành từng bài học riêng lẻ, đi kèm các hoạt động dạy và học rời rạc.
Cụ thể, mạch nội dung thứ nhất về phương pháp khoa học, dù có vai trò rất quan trọng nhưng các sách lại được biên soạn rất sơ sài. Do chưa từng được đào tạo trước đây, nên cán bộ làm nhiệm vụ tập huấn cũng được phân công theo các chuyên môn lý, hóa, sinh. Hiện không có nhiều nhà sư phạm, cá nhân am hiểu thực sự kiến thức KHTN, để giúp giáo viên thấy được mối liên kết phức hợp, ẩn chứa giữa các khối kiến thức đơn môn ban đầu.
Trước thực trạng trên, trước mắt nên chăng có một bộ sách KHTN áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ sách này là kim chỉ nam, thống nhất nội dung và mục tiêu đúng tinh thần, quan điểm của chương trình GDPT 2018. Nội dung không dài dòng, khó hiểu, phải chắt lọc, xâu chuỗi thành mạch logic khoa học.
Bộ sách KHTN chỉ cần tập trung vào 6 mạch nội dung, thể hiện đúng cấu trúc tích hợp các lĩnh vực khoa học. Làm như vậy, sách giáo khoa mới có thể giúp giáo viên thay đổi cách tiếp cận, thấy được ý nghĩa, vẻ đẹp tổng thể của môn KHTN, tương tự như cách họ yêu thích các môn lý, hóa, sinh.
Với một bộ sách KHTN thống nhất kết hợp với các phương pháp, kỹ thuật dạy học được tập huấn liên tục trong thời gian qua, tin rằng giáo viên hoàn toàn có thể tự đọc, hiểu và triển khai tốt bài giảng môn tích hợp KHTN của mình.