Đây là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Nội vụ năm 2024 được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành.
Kế hoạch nhằm theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xem xét, đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Nội vụ.
Theo kế hoạch, Bộ Nội vụ sẽ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
“Phạm vi và đối tượng theo dõi, kiểm tra: theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tiền lương tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng và 5 tỉnh gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đắk Lắk, Nghệ An, Tuyên Quang“, kế hoạch nêu rõ.
Về nội dung theo dõi, kiểm tra lĩnh vực này, Bộ Nội vụ cho biết sẽ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương được quy định tại Nghị định số 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó là Thông tư số 03/2021 của Bộ trưởng Nội vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2013 của Bộ trưởng Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ cũng sẽ kiểm tra việc xếp lương thi nâng ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức; kiểm tra việc xếp lương đối với người làm việc trong các doanh nghiệp được điều động, tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước.
Thời gian theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách tiền lương tại các Bộ và địa phương diễn ra từ Quý I đến Quý III năm 2024 (thời gian cụ thể thống nhất với Bộ, ngành, địa phương khi thành lập Đoàn kiểm tra).
Bên cạnh việc thực hiện chính sách tiền lương, nội dung theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật còn có các lĩnh vực: công tác thi đua, khen thưởng; công tác văn thư, lưu trữ; công tác quản lý nhà nước về thanh niên; việc chấp hành các quy định của pháp luật về thành lập tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế tại các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó là việc thực hiện Thông tư số 05/2021 của Bộ trưởng Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện; tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu bảo đảm sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ, các tổ chức, cá nhân liên quan; kết hợp chặt chẽ giữa theo dõi tình hình thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, phải xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện công việc được giao trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo với các nội dung thanh tra, kiểm tra khác.
Anh Văn