Chiều 13/6, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đến nay.

Cùng dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc và một số lãnh đạo và thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương…

Đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 16 đảng viên

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ; trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, phát sinh từ lâu đã được kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm hoặc những vụ việc mới phát sinh có chuyên môn sâu, chuyên biệt, khép kín cũng đã được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 16 đảng viên; đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 14 đảng viên và 23 tổ chức đảng, trong đó có 26 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 132 đảng viên, 20 tổ chức đảng; tham mưu Ban Bí thư thành lập 2 đoàn giải quyết tố cáo đối với 2 đảng viên…  

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 78 tổ chức đảng và 23 đảng viên. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 43 tổ chức đảng và 100 đảng viên; thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 156 tổ chức đảng và 371 đảng viên; yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật 118 tổ chức đảng và 359 đảng viên.

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính đảng đối với 82 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 47 tổ chức đảng và 88 đảng viên; xem xét, giải quyết tố cáo theo quy trình đối với 9 đảng viên, 1 tổ chức đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 29 đảng viên.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 115 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 161 tổ chức đảng và 417 đảng viên bằng các hình thức.

Trong các nội dung Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung kiểm tra có việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản nhà nước; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện các dự án/gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện; các vi phạm liên quan đến các Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát… 

Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan Phúc Sơn, Thuận An, AIC

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ghi nhận những kết quả tích cực Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp, hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả không ngừng được nâng lên.

Trong đó, đáng chú ý là tập trung nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp. Những kết quả quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát đã có tác dụng rất lớn trong cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung nghiên cứu, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chủ động thực hiện toàn diện, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, tập trung kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những vấn đề nổi cộm, còn tồn đọng, gây bức xúc trong xã hội.

Đồng thời, tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến việc xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty AIC và hệ sinh thái AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các vụ việc mới phát sinh.

Việc xử lý kỷ luật phải đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, song, trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ hơn, làm tốt hơn.

Cùng với đó là phát huy các nhân tố mới, tích cực, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, trong đó có phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hoạt động Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp.

Cùng với việc thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra thực sự liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công kiểm tra, giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú khẳng định sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hằng năm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ phối hợp, tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ Đại hội 14, đặc biệt là công tác thẩm định nhân sự…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực và những vụ việc bức xúc trong xã hội; những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/kiem-tra-viec-ke-khai-tai-san-115-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-2291327.html