Kiểm toán Nhà nước cho biết vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế.
Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đánh giá công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách tại Bộ Y tế còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nhiều khoản thu của bệnh nhân chưa đúng quy định
Về chi thường xuyên, kết quả kiểm toán chỉ rõ công tác lập, giao và phân bổ dự toán tại một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ, thuyết minh, lập một số nội dung chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bộ Y tế phân bổ dự toán điều chỉnh nhiều lần…
Đối với thu dịch vụ y tế, một số đơn vị khám chữa bệnh chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám chữa bệnh đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu.
Đặc biệt, một số dịch vụ y tế có danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bảo hiểm xã hội chi trả nhưng cơ sở khám chữa bệnh vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân.
Mặt khác, có tình trạng bệnh viện áp giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa chính xác rồi khoản thu dịch vụ khác nhưng phản ánh thu khám chữa bệnh.
Một số bệnh viện phát sinh thu từ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa được quy định trong thông tư số 13 năm 2023 của Bộ Y tế như dịch vụ phẫu thuật theo yêu cầu trong hoặc ngoài giờ hành chính; phẫu thuật ghép gan.
Thu của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá dịch vụ phẫu thuật.
Đối với chi dịch vụ khám, chữa bệnh, theo Kiểm toán Nhà nước, việc hạch toán chi phí trong năm một số khoản chi chưa đúng quy định như chi phí khám chữa bệnh chưa tương ứng với doanh thu ghi nhận trong năm 65,6 tỉ đồng.
Các khoản phụ cấp vượt hoặc không đúng quy định 3,524 tỉ đồng; chưa giảm trừ chi phí trong năm giá trị thuốc, bông băng, hóa chất, vật tư tiêu hao còn tồn kho 10,664 tỉ đồng…
Bên cạnh đó, về công tác quản lý thuốc, hóa chất, vật tư, theo Kiểm toán Nhà nước, còn tình trạng nhập kho một số danh mục thuốc trúng thầu có thời hạn sử dụng thấp hơn so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký. Tỉ lệ nhập thuốc thấp so với số lượng trúng thầu, thành phần kiểm nhập chưa đầy đủ theo quy định…
Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa sát thực tế
Về chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán chỉ rõ công tác đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 2 đợt. Việc giao vốn còn chậm.
Về giải ngân vốn được giao thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo nghị quyết số 43 của Quốc hội, đến tháng 4 Bộ Y tế mới giải ngân được 34 tỉ đồng/1.465 tỉ đồng, đạt 2,3%.
Công tác quản lý tiến độ, năm 2023 Bộ Y tế có bảy dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương chậm tiến độ.
Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 119,8 tỉ đồng
Qua kiểm toán Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 119,8 tỉ đồng, trong đó tăng thu ngân sách hơn 62 tỉ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 57,6 tỉ đồng. Báo cáo kiểm toán cũng kiến nghị xử lý 71 tỉ đồng gồm giảm chi khác 1,3 tỉ đồng; giảm chi các dự án đầu tư xây dựng 69,7 tỉ đồng.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Theo đó, đối với chi đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước đề nghị chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án…
Đối với chi thường xuyên và thu chi hoạt động sự nghiệp, dịch vụ, cần chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập phân bổ, giao dự toán kinh phí; tổ chức kiểm tra việc xây dựng cơ cấu giá dịch vụ.
Đặc biệt chấm dứt thu thêm của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh hoặc đã được Bảo hiểm xã hội chi trả.
Chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê không có đề án được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền…
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với sai sót tồn tại trong việc lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại (dự án Viện Pháp y quốc gia).
Nguồn: https://tuoitre.vn/kiem-toan-nha-nuoc-tien-kham-chua-benh-bao-hiem-da-tra-benh-vien-van-thu-them-cua-benh-nhan-20240919094828715.htm