Kết quả đạt được của hoạt động phối hợp sau hơn 10 năm thực hiện Quy chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan.
Qua hoạt động kiểm toán đã tư vấn và giúp Hội đồng nhân dân tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách; phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản công.
Bên cạnh đó, sự phối hợp tích cực và hiệu quả của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương đã góp phần giúp Kiểm toán Nhà nước hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hằng năm.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành ký Quy chế phối hợp công tác với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận trong giai đoạn tiếp theo.
Quy chế lần này được điều chỉnh, bổ sung một số điều và nội dung nhằm phù hợp với các quy định và tình hình mới, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi bổ sung; giảm thiểu sự trùng lắp về kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tại địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, sau nhiều năm thực hiện, Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với các địa phương đã đi vào thực chất.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh với Kiểm toán Nhà nước là rất cần thiết và quan trọng nhằm giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại bốn địa phương này luôn đạt hơn 88%.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiếp thu đầy đủ các ý kiến của địa phương và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong xây dựng kế hoạch kiểm toán cần phối hợp các địa phương lựa chọn đúng, trúng các chủ đề, vấn đề mà các bên quan tâm, những vấn đề nổi cộm trong xã hội nhằm phục vụ Hội đồng nhân dân trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ cơ chế chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ đạo các bộ phận chức năng của Kiểm toán Nhà nước rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng để kịp thời xử lý. Phối hợp rà soát, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế địa phương bền vững.