6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp
Phiên hội thảo chuyên đề được Kiểm toán Nhà nước tổ chức vào sáng 18.10 trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – Vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.
Tại hội thảo, ông Bùi Quốc Dũng – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong các tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24% khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021 – 2025 rất khó khăn.
Ông Dũng cho rằng, chính những khó khăn này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Việc này sẽ thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.
“Trong giai đoạn 2016 – 2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có 6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế của các cơ chế chính sách, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khai các nguồn lực cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp”, ông Dũng nói.
Nút thắt trong phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp
Tại diễn đàn, ông Lê Đình Thăng – Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành II cũng chỉ ra các “nút thắt” trong phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, như vấn đề về quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia.
Hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ còn hạn chế, thiếu gắn kết giữa quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị và hạ tầng giao thông.
Vấn đề liên kết vùng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ xuất hiện một số mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ như sản xuất linh kiện và lắp ráp ôtô trong Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); sản xuất điện thoại di động trong một số Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Lao động và an sinh xã hội mới chỉ dừng lại ở giải quyết việc làm, chưa có các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp tại một số địa phương chưa đồng bộ.
Tỉ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp chỉ ở mức hơn 57% (năm 2022), tỉ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp mới đạt gần 5 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Đây là những con số tương đối thấp.
Đưa ra các định hướng giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển, cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng.
Quá trình xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ chú trọng đổi mới mô hình theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.