Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế-xã hội, báo chí truyền thông phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trong bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dẫn quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
Trong bài thuyết trình mở đầu hội thảo về chủ đề “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn – Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam”, đồng chí Lê Quốc Minh nêu một số công nghệ AI nổi bật được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 và khẳng định con đường của báo chí đang đi chắc chắn là đồng hành với công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại tốn nhiều công sức. Ở góc độ sáng tạo, làm những thứ đòi hỏi cảm xúc, những công việc cụ thể hơn như phỏng vấn đối tượng, trong thời gian trước mắt trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể làm được, nhưng nó có thể trong tương lai. Do đó, cần kiểm soát AI để nó phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta thay vì phụ thuộc vào nó.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Bộ TT&TT ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là AI trong hoạt động báo chí. Chính sự xuất hiện của AI hay ChatGPT đã cho thấy báo chí hiện đang rất phí sức trong khâu tác nghiệp hằng ngày.
“Cần ứng dụng AI nhằm loại bỏ những công việc, những kỹ năng mà máy móc có thể làm tốt hơn phóng viên, biên tập viên hoặc thậm chí là các nội dung tương tự trùng khớp với cơ quan báo chí khác đã làm. Điều này cũng sẽ tạo không gian và thời gian để các toà soạn có thể sáng tạo ra các câu chuyện khác biệt, không sao chép và không AI nào có thể tổng hợp, có lẽ đây mới là hướng tác nghiệp mới trong hoạt động báo chí”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thêm.
“Chúng ta nên dùng công nghệ để có lợi cho chúng ta, phục vụ chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà có khi ta lại mất đi bản thể, giá trị cốt lõi, trở thành phụ thuộc thậm chí bị kiểm soát”, ông Nguyễn Thanh Lâm khuyến nghị.
Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên 1 gồm 4 tham luận của 4 diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông. Nội dung các tham luận: AI và báo chí – Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam; Hiện tượng “Chat GPT”: Cú huých chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình; Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn; Kết quả thử nghiệm Chat GPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) cùng những chia sẻ thảo luận về Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng như: AI đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào? Có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số? Ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí là gì?
Phiên thứ 2 mở đầu với thuyết trình chủ đề Ứng dụng Chatbot ở Báo điện tử VietnamPlus.vn – từ góc nhìn quản trị tòa soạn. Các diễn giả, khách mời và tất cả các quý vị tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại tòa soạn, như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong tòa soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị tòa soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hóa?…
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay của mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo trong cả nước và các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông tại Việt Nam cùng trao đổi về việc ứng dụng công cụ AI với vai trò trợ lý ảo cho những hoạt động tổ chức và sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Chỉ trong thời gian ngắn, hội thảo nhận được 22 tham luận từ các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà khoa học gửi về Ban tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí”.
VĂN PHONG