Những ngày qua, với tình hình mặt hàng gạo có nhiều biến động, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra, giám sát. Qua đó, ghi nhận các cơ sở kinh doanh bán đúng giá niêm yết, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, gây bất ổn thị trường…
Tăng cường kiểm soát thị trường
Ngày 4 và 5-8, theo chân đoàn công tác của Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT tỉnh) kiểm tra, giám sát, nắm tình hình tại một số cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn TP. Nha Trang, chúng tôi ghi nhận gạo được bày bán dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; các cơ sở kinh doanh chấp hành khá tốt các điều kiện kinh doanh, có giấy đăng ký; hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; niêm yết giá đầy đủ… Các thành viên trong đoàn đã vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; niêm yết giá hàng hóa đầy đủ, đúng quy định… Đồng thời, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, đảm bảo tốt điều kiện về an toàn thực phẩm, có kế hoạch nhập hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…
Lực lượng quản lý thị trường nắm tình hình kinh doanh gạo tại cơ sở kinh doanh trên đường Trần Nguyên Hãn (TP. Nha Trang). |
Theo đại diện cơ sở kinh doanh gạo Ngọc Xuân (đường 23-10), trên thị trường có rất nhiều loại gạo khác nhau, về cơ bản rất khó phân biệt từng loại. Với tình hình giá cả biến động tăng cao như hiện nay, việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát rất cần thiết. Cơ sở luôn chấp hành các quy định trong việc kinh doanh mặt hàng gạo, nhập các loại gạo có chất lượng và nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, gạo nhập vào nhảy giá liên tục nên cơ sở rất cân nhắc khi nhập hàng. Cơ sở mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu điều tiết cân bằng, hợp lý giữa gạo xuất khẩu và gạo bán lẻ trong nước, có giải pháp ổn định giá gạo.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh – đại diện Công ty TNHH Hưng Phát Khánh Hòa (đường Trần Nguyên Hãn) cho biết: “Hiện nay, gạo trên thị trường rất dồi dào, chúng tôi muốn nhập bao nhiêu cũng có, không có chuyện bị đứt hàng. Thế nhưng, trung bình từ 2 đến 3 ngày, nhà phân phối điều chỉnh tăng giá, mỗi lần tăng từ 200 đồng đến 300 đồng/kg. Chính vì vậy, thị trường bán lẻ có tình trạng chênh lệch giá bán giữa các cơ sở kinh doanh. Thực tế, không phải do cơ sở kinh doanh nâng giá bán mà đơn vị nào trữ được nhiều gạo giá cũ thì bán cho khách giá mềm, còn nếu nhập mới đến đâu thì bán theo giá mới đến đó, giá sẽ cao hơn”.
Vẫn tiếp đà tăng giá
Sau gần 1 tuần kể từ khi bài báo “Giá lúa gạo tăng cao: Nông dân phấn khởi” được đăng trên Báo Khánh Hòa ngày 1-8, chúng tôi ghi nhận giá gạo trên thị trường Nha Trang tiếp tục tăng cao, mỗi loại tăng từ 200 đồng đến 800 đồng/kg so với ngày 30-7. Hiện nay, các loại gạo địa phương, như: Thơm ruộng, dẻo ruộng, thơm nở, gạo tròn… có giá từ 14.200 đồng đến 16.000 đồng/kg. Các loại gạo thơm thường miền Tây, như: Đài Loan (Gò Công) có giá từ 20.000 đồng đến 20.800 đồng/kg; thơm lài 16.000 đồng/kg; thơm Thái Lộc Phượng từ 16.500 đồng đến 17.500 đồng/kg; lài sữa từ 17.500 đồng đến 18.000 đồng/kg; tài nguyên Chợ Đào 19.000 đồng/kg; Nàng Hoa từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg tùy đại lý; Jasmin Phước Thành 4 có giá 18.000 đồng/kg; các dòng gạo lứt tăng từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh cho biết nguồn cung dồi dào nhưng gạo tăng giá liên tục. |
Riêng dòng gạo thơm cao cấp (gạo ST) trước đó có mức tăng nhẹ nhất trong các loại gạo, nhưng mấy ngày qua bất ngờ biến động mạnh, trung bình tăng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg tùy loại, nhất là gạo nguyên liệu loại 50kg/bao. Cụ thể, gạo ST25 có giá từ 22.000 đồng đến 25.500 đồng/kg tùy loại; ST21 giá từ 20.000 đồng đến 22.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Luộm – Trưởng Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ tại Khánh Hòa, khi giá gạo thơm thường liên tục tăng cao, nhiều người tiêu dùng có tâm lý chuyển sang ăn gạo cao cấp hơn, bởi sự chệnh lệch về giá không quá lớn. Trong khi đó, lúa ST không thuần giống, sản xuất ít, không đại trà nên sản lượng hạn chế, khi nhu cầu tăng sẽ đội giá thành tăng. Những ngày gần đây, giá các loại nếp nhập vào cũng tăng mạnh từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg tùy loại; các loại tấm cũng tăng từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước ngày 20-7.
Lực lượng quản lý thị trường nắm tình hình thị trường tại cơ sở kinh doanh gạo Ngọc Xuân (TP. Nha Trang). |
Theo các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá gạo tiếp tục tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu. Hiện nay, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam vì lo ngại nguồn cung mặt hàng chủ lực này sẽ bị thiếu hụt sau khi Ấn Độ ra lệnh tạm dừng xuất khẩu loại gạo có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào ngày 20-7. Ngày 28-7, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng; ngày 29-7, Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm 2023…
Ông PHẠM NGỌC SƠN – Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh: Hiện nay, giá gạo có nhiều biến động theo chiều hướng tăng. Do đó, nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa nói chung và mặt hàng gạo nói riêng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục chủ động nắm tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
KHÁNH HÀ