Một tập đoàn chế tạo vũ khí của Đức đang lên kế hoạch xây dựng ít nhất 4 nhà máy sản xuất ở Ukraine với mục tiêu đạt doanh thu kỷ lục 10 tỷ Euro (10,9 tỷ USD) trong năm nay.
Rheinmetall đạt mức doanh thu kỷ lục 7,2 tỷ Euro trong năm ngoái, phần lớn từ xung đột Ukraine, và đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ Euro trong năm 2024. (Nguồn: AFP) |
Theo AFP, xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Đức trong bối cảnh nhiều quốc gia tìm cách tái vũ trang trước mối đe dọa ngày càng lớn từ cuộc giao tranh đã kéo dài sang năm thứ 3.
Từ năm ngoái, nhu cầu tăng vọt đã đẩy chỉ số chứng khoán của tập đoàn chế tạo vũ khí khổng lồ của Đức Rheinmetall lên hàng DAX blue-chip, bao gồm 40 tập đoàn niêm yết lớn của nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại buổi công bố kết quả kinh doanh năm 2023 của công ty vào ngày 14/3, Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger khẳng định: “Ukraine hiện là đối tác quan trọng đối với chúng tôi, nơi chúng tôi nhận thấy tiềm năng đạt từ 2 đến 3 tỷ Euro (doanh thu) mỗi năm”.
Tại cuộc họp này, Rheinmetall xác nhận đang lập kế hoạch xây dựng ít nhất 4 nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine.
Theo đó, các nhà máy tại Ukraine – quốc gia đang thiếu hụt đạn dược khi Nga giành được lợi thế trên chiến trường – sẽ sản xuất đạn pháo, xe quân sự, thuốc súng và vũ khí phòng không.
Rheinmetall, có trụ sở tại Duesseldorf, chuyên sản xuất các bộ phận dành cho xe tăng Leopard – phương tiện mà Berlin chấp thuận chuyển giao cho Ukraine sau nhiều do dự. Rheinmetall đạt mức doanh thu kỷ lục 7,2 tỷ Euro trong năm ngoái và đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ Euro trong năm 2024.