Đối mặt với những khó khăn, thách thức được đánh giá là chưa từng có tiền lệ, Việt Nam cần phát huy và tăng cường nội lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. (Nguồn: Getty Images) |
Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với những nét thăng trầm. Nửa đầu năm nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bị tác động rất mạnh từ các yếu tố tiêu cực của đại dịch Covid-19, làn sóng lãi suất dâng cao và biến động chính trị khó lường từ năm 2022. Những yếu tố này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các động lực tăng trưởng của đất nước.
Thách thức chưa từng có tiền lệ
Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72% (quý I đạt 3,28%; quý II đạt 4,14%), gần như thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm vừa qua. Con số này chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 – năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và thấp hơn 2,48 điểm phần trăm so với kế hoạch.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản còn rất yếu, chưa phục hồi, có lĩnh vực tiêu cực lại tăng hơn: Nợ xấu ngân hàng tăng lên khoảng 3,7% – cao hơn nhiều so với năm 2022; nợ xấu của doanh nghiệp tăng nhanh, đến nay là khoảng hơn một triệu tỷ đồng nợ trái phiếu, trong đó có gần 40.000 tỷ đồng quá hạn.
Trong bảy tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể tăng; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Thêm vào đó, các thách thức từ chuyển đổi mô hình kinh tế hậu Covid-19, các xu hướng dịch chuyển thương mại, đầu tư và áp lực cạnh tranh toàn cầu gia tăng khiến lợi thế cạnh tranh kinh tế đối ngoại, nhất là ở xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, truyền thống của Việt Nam gặp khó.
Lĩnh vực kinh tế đối ngoại có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giai đoạn trước và trong Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng. Sự đóng góp, tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của đất nước có sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, song khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là lực lượng chủ yếu, đóng góp đến hơn 70% vào kết quả xuất khẩu.
Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam vẫn dựa trên giá cả, các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế. Lợi thế truyền thống về giá nhân công trong lĩnh vực sản xuất gia công – lắp ráp duy trì ở mức thấp.
TS. Nguyễn Quốc Việt. |
Điểm sáng thu hút FDI
Bước sang nửa cuối năm 2023, những dấu hiệu của nền kinh tế báo hiệu một sự phục hồi nhẹ. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, quản trị nhà mua hàng, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đã tăng nhẹ so với các tháng đầu năm. Thị trường các tài sản tương đối ổn định, thị trường chứng khoán khả quan trong những tháng gần đây và kỳ vọng tiếp tục khởi sắc.
Song song với đó, lĩnh vực du lịch thể hiện mức tăng ấn tượng nhất trong số các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính chung tám tháng đầu năm, Việt Nam đón trên 7,8 triệu khách quốc tế, đạt gần 98% mục tiêu cả năm. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 9,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 482 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI. Đất nước được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Đến ngày 20/8, tổng vốn FDI đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 4,47 tỷ USD, tăng 62,8%.
Chính phủ vào cuộc “gỡ rối”
Thời gian qua, các chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ thể hiện quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Lãi suất giảm liên tục và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023. Sự gia tăng đầu tư công nói chung và những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công nói riêng là động thái quan trọng kích cầu trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân có vai trò to lớn khắc phục các khó khăn kinh tế hiện nay.
Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 cho thấy, chính các biện pháp đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng kéo lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy dòng vốn lành mạnh trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường, bình ổn giá cả, kìm chế lạm phát, bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo an ninh và an sinh xã hội.
Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD. |
Phát huy động lực tăng trưởng từ bên trong
Trong nguy có cơ, những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới sẽ tạo cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại những động lực tăng trưởng từ bên trong. Đặc biệt là các động lực nhằm bảo đảm sự tự chủ nền kinh tế, cải thiện năng lực nhằm chống đỡ các cú sốc và rủi ro kinh tế trên toàn cầu.
Phần còn lại của năm 2023, để vực dậy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần phát huy và tăng cường nội lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cần kích hoạt động cơ nội lực kinh tế đồng bộ để toàn dân, toàn quốc đi vào sản xuất hiệu quả. Các cơ quan chức năng tăng cường sát cánh với các chính quyền địa phương và đồng hành cùng với doanh nghiệp tháo gỡ rào cản, tạo sự bứt phá.
Với hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh của khu vực này còn rất hạn chế. Chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) – phản ánh năng suất và hiệu quả sản xuất của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước – thấp hơn rất nhiều so với khối doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp cần cải thiện tính liên kết. Tâm lý kinh doanh đa phần còn tập trung cho lợi ích riêng lẻ kiểu “mạnh ai, người ấy làm”, làm hạn chế khả năng doanh nghiệp nội có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
(*) Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội