Phát biểu khi đến thăm ICI, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ Việt Nam – Romania đã trải qua gần 75 năm có những lúc thăng trầm và nhiều đột phá.
Tiếp nối thành tựu 75 năm
Đi thăm Romania vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hàng trăm ngàn người dân Romania nồng nhiệt chào đón. Romania dành tình cảm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc lấy tên Người đặt cho một con đường.
Khi Việt Nam giành độc lập, hàng trăm ngàn người Romania đã xuống đường mừng chiến thắng cùng Việt Nam. Trong quá trình xây dựng đất nước sau này Romania tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong lúc Việt Nam còn khó khăn. Romania đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ trong suốt thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh. Nhiều người trong đó đã trưởng thành, trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, quản lý cấp cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng…
Năm 2019, với vai trò là Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU), Romania đóng vai trò quyết định giúp EU và Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA); Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Nhờ đó, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc.
Thủ tướng đề nghị, tiếp nối thành tựu hợp tác suốt gần 75 năm qua, thời gian tới Việt Nam và Romania cần tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và khoa học công nghệ.
Phát triển nhanh và bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia….
Thủ tướng đề nghị Viện ICI đặt Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế, trước mắt hai bên cử các đoàn công tác tới hai bên để tìm hiểu, cùng xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác; Viện ICI giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới – Davos 2024 có chủ đề “Tái thiết lòng tin” cho thấy lòng tin là yếu tố hết sức quan trọng, trong khi Việt Nam và Romania đã có sẵn lòng tin. Trở ngại lớn nhất giữa hai đất nước là về khoảng cách địa lý, song lĩnh vực hợp tác về khoa học, công nghệ thông tin khắc phục được hạn chế này.
Thủ tướng khích lệ các chuyên gia Việt Nam và Romania cùng nhau nghiên cứu và phát triển các dự án hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
“Thời gian có giới hạn, song hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… là không có giới hạn”, Thủ tướng khẳng định.
Tạo điều kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Prahova và Phòng thương mại công nghiệp của tỉnh này ngay sau đó, Thủ tướng cũng đặc biệt ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch vụ công và an sinh xã hội (thành phố thông minh).
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, địa phương tích cực hợp tác, đầu tư, chia sẻ, học hỏi để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu của lãnh đạo hai nước. “Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên thông qua những dự án cụ thể”, Thủ tướng cam kết.
Prahova là một trung tâm công nghiệp, dầu khí, du lịch và văn hóa quan trọng hàng đầu của Romania; nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên, có bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng. Prahova đã kết nghĩa với tỉnh Hòa Bình của Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh được ký kết nhân chuyến thăm chính thức tới Romania năm 2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đặc biệt, Prahova là nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Romania, cùng Đại học Dầu khí Ploiesti có truyền thống hợp tác với Việt Nam, đóng góp quan trọng vào hợp tác dầu khí giữa hai nước. Giai đoạn từ 1955 – 1985, có khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp từ Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest và Đại học Dầu khí Ploiesti. Việc hợp tác đào tạo kỹ sư dầu khí giữa hai nước được khôi phục từ năm 2002 và tới năm 2015, đã có trên 70 kỹ sư dầu khí của Việt Nam tốt nghiệp Đại học Dầu khí Ploiesti.
Cũng hôm qua, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác.
Hôm nay (22.1), lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ diễn ra tại phủ Thủ tướng Romania. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Marcel Ciolacu sẽ có hội đàm, sau đó cùng dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Romania. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ hội kiến Tổng thống Romania Klaus-Werner Iohannis, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Romania, trước khi rời thủ đô Bucharest về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania.