Riêng TP. Điện Biên Phủ, 8/12 xã, phường đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ). Các huyện, thị còn lại của tỉnh Điện Biên đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư kinh phí để
xây dựng CSDLĐĐ.
Còn nhiều khó khăn
Trao đổi vấn đề này với phóng viên, bà Dương Thị Minh Dịu – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay, tỉnh Điện Biên còn 5 huyện chưa được đo đạc bản đồ địa chính, gồm: Huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Chà. 9/10 huyện, thị xã của tỉnh Điện Biên chưa có CSDLĐĐ. Trong khi, cơ sở dữ liệu địa chính chỉ cung cấp cho người cần tra suất thông tin về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn muốn tham chiếu thêm thông tin về vị trí lô đất đó thuộc vào quy hoạch gì, giá đất bao nhiêu thì buộc phải nâng cấp từ cơ sở dữ liệu địa chính lên thành CSDLĐĐ. Từ CSDLĐĐ mới có thể số hóa được toàn bộ thông tin về thửa đất, đó chính là thông tin đầu vào để phục vụ tốt cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai.
Bà Dịu cho biết thêm: Để đầu tư xây dựng được CSDLĐĐ cho toàn bộ tỉnh Điện Biên, theo đơn giá đơn vị đã xây dựng năm 2022, tại thời điểm chưa nâng lương, cần chi phí khoảng 192 tỷ đồng. Chỉ khi tỉnh có được CSDLĐĐ thì mới có thể thực hiện được việc chuyển đổi số một cách hệ thống và hiệu quả. Hiện trên thực tế, chỉ có TP. Điện Biên Phủ có CSDLĐĐ, tuy nhiên hiện tại không sử dụng được vì 2 nguyên do.
Thứ nhất, do đơn vị không cập nhật biến động đất thường xuyên. Văn phòng Đăng ký đất đai đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nội dung này, nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa chuyển biến. Hiện nay, TP. Điện Biên Phủ có thêm 7 khu tái định cư mới và có thêm 4 xã: Mường Phăng, Nà Nhạn, Nà Tấu và Pá Khoang mới được tách ra từ huyện Điện Biên và sáp nhập vào thành phố năm 2019. Chính vì 4 xã mới sáp nhập về chưa được đo đạc bản đồ địa chính, thời gian tới, thành phố sẽ đo đạc quy chủ đất đai tại 4 xã này và cập nhật lại dữ liệu biến động của thành phố.
Thứ hai, phần mềm quản lí CSDLĐĐ của TP. Điện Biên Phủ là Vilis 2.0 thường xuyên bị lỗi, khó cập nhật, gây khó khăn cho đơn vị Trung tâm Quản lí đất đai TP. Điện Biên Phủ mỗi khi cập nhật.
Để lí giải cho việc chưa cập nhật thường xuyên về biến động đất đai của TP. Điện Biên Phủ, theo Báo cáo ngày 26/7/2023 của Trung tâm Quản lí đất đai TP. Điện Biên Phủ nêu: Hiện nay, các dự án trọng điểm của tỉnh gồm 11 dự án đều rơi vào địa bàn TP. Điện Biên Phủ nên khối lượng công việc rất nhiều và phức tạp, mất nhiều thời gian, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Do đó, việc quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, ngoài việc Trung tâm Quản lí đất đai thành phố không bố trí được người làm còn có việc phần mềm đã hết niên hạn sử dụng từ năm 2022.
Được biết, trong 5 huyện của tỉnh Điện Biên chưa được đo đạc bản đồ địa chính, huyện Điện Biên có 12/21 xã vùng lòng chảo đã được đo đạc là bản đồ giấy từ những năm 1994. Còn 9 xã vùng cao của huyện này vẫn chưa được đo đạc. Như vậy, dữ liệu đầu vào về đất đai của huyện Điện Biên cũng đã rất cũ, muốn số hóa, địa phương này buộc phải thực hiện đo lại, đo bổ sung và điều chỉnh biến động, cập nhật trên phần mềm quản lý đất đai.
Khuyến khích các huyện đầu tư tư vấn đo đạc
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác quản lý đất đai nói chung và lập CSDLĐĐ nói riêng của địa phương, ông Phạm Đức Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đang thực hiện đo đạc, quy chủ lại toàn bộ đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để khắc phục thực trạng giao đất, giao rừng nhưng không bàn giao ngoài thực địa.
Chính vì điều này đã xảy ra việc chồng lấn, tranh chấp kéo dài trong dân. Để dứt điểm thực trạng đó, chúng tôi đã triển khai kế hoạch giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2018 đến nay, cơ bản các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai rất rốt ráo nội dung này, đến tháng 1/2024 phải hoàn thành. Riêng phần đo đạc, xây dựng CSDLĐĐ, tỉnh khuyến khích các huyện tính toán, cân nhắc trích 10 – 20% tiền đấu giá đất để thuê tư vấn đo đạc mỗi năm 1 xã”.
Tính đến 30/9/2023, tỉnh Điện Biên đã cấp GCNQSDĐ 86.539,86ha với 47.573 Giấy chứng nhận đất sản xuất nông nghiệp; 322.431,10ha, với 44.043 Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp. Đất ở nông thôn đã cấp được 828,0ha với 22.320 Giấy chứng nhận. Đất ở đô thị đã cấp được 525,5ha, với 28.298 Giấy chứng nhận. Đất chuyên dụng đã cấp được 2.671,01ha, với 2.340 Giấy chứng nhận.
“Hiện nay, huyện Điện Biên làm rất tốt nội dung này. Năm nay, huyện Điện Biên đang thuê tư vấn đo đạc tại xã Thanh Xương và kế hoạch sang năm 2024 sẽ đo tiếp xã Thanh Hưng. Các huyện còn lại chưa làm được vì việc đấu giá đất gặp nhiều trở ngại. Song, về lâu dài, chúng tôi đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm tờ trình xin kinh phí từ Trung ương và địa phương đối ứng một phần để đo đạc, xây dựng dữ liệu đầu vào phục vụ tốt cho công tác chuyển đổi số về đất đai của Điện Biên” – Ông Toàn nói.