Hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ – Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đề cao sức sáng tạo của phụ nữ, khuyến khích phụ nữ và thế hệ trẻ như các nhà phát minh, những người sáng tạo nội dung, các thương nhân trẻ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ.
Khuyến khích sinh viên tìm hiểu về sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Hội thảo mong muốn lan tỏa các chủ đề hấp dẫn có liên quan đến sở hữu trí tuệ nhằm thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của các giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học, các nghiên cứu sinh… ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật học nói chung và sinh viên của Trường Đại học Luật nói riêng, góp phần tạo nên một môi trường giao lưu, trao đổi học thuật sôi nổi, bổ ích.
Chia sẻ thông tin tổng quan về sở hữu trí tuệ – vai trò và xu hướng, Thạc sỹ Đoàn Thiều Trang, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội như: Khuyến khích đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; gia tăng nguồn trí thức cho xã hội, đảm bảo cơ hội thụ hưởng cho công chúng; hỗ trợ phát triển bền vững; gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa.
Theo Thạc sỹ Đoàn Thiều Trang, những xu hướng phát triển gần đây của hệ thống sở hữu trí tuệ đó là hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (hệ thống Madrid) năm 2022 (nguồn Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO). Theo đó, sản phẩm và dịch vụ có số đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế lớn nhất như: Phần cứng, phần mềm máy tính, máy điện và điện tử chiếm 11,3%; dịch vụ kinh doanh chiếm 8,8%; dịch vụ khoa học và công nghệ chiếm 8,5%. Số đơn đăng ký sáng chế quốc tế cao nhất theo lĩnh vực công nghệ có thể kể đến như truyền thông số chiếm 6,1%; công nghệ máy tính chiếm 8,1%. Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ vẫn có thách thức mới như: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả của hoạt động sáng tạo do trí tuệ nhân tạo (Al) tạo ra; đối với phần mềm máy tính; hình thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới ảo…
Bàn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học – những vấn đề cần lưu ý đối với sinh viên, Tiến sỹ Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, hiện nay những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến của sinh viên gồm: sao chép trái phép tác phẩm của người khác; làm tác phẩm phái sinh trái phép; truyền đạt tác phẩm đến công chúng trái phép; xâm phạm quyền thân nhân của tác giả: Quyền đứng tên trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…
Theo điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, Tiến sỹ Nguyễn Bích Thảo nhấn mạnh, những trường hợp sử dụng tác phẩm của người khác không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền trong đó có “tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại…”.
Tại Hội thảo, nhiều sinh viên đã đưa ra các câu hỏi và được các chuyên gia giải đáp như: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến (xâm phạm bí mật đời tư; trí tuệ nhân tạo, tri thức truyền thống); công nghệ liên quan đến mật khẩu… từ đó đề xuất các biện pháp, quy định nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức