Các hộ kinh doanh khi chuyển lên doanh nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Văn Minh
Hộ kinh doanh mất nhiều cơ hội phát triển
Đại biểu tham dự hội nghị đồng tình với nhận định HKD là một phần không thể thiếu của nền kinh tế tư nhân. HKD là nền tảng quan trọng để hình thành các DN có đủ năng lực, phát triển, bứt phá trong cơ chế kinh tế thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh có 64.912 HKD, đây là nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế – xã hội tỉnh. Tuy nhiên, số HKD chuyển đổi lên DN còn rất khiêm tốn. Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương, thời gian qua, việc hỗ trợ thúc đẩy, khuyến khích, tạo động lực để các HKD đủ điều kiện phát triển lên DN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thực tế cho thấy, kinh doanh ở mô hình HKD tuy có những thuận lợi nhưng sẽ mất đi nhiều cơ hội để phát triển. Cụ thể, tính chuyên nghiệp thấp, công nghệ hạn chế, cơ sở vật chất manh mún. Số lượng nhiều nhưng chưa mạnh, khó phát triển thị trường ra ngoài tỉnh. HKD tuy nắm bắt thị trường nhanh nhưng cũng dễ bị tổn thương khi thị trường gặp biến cố. HKD gặp khó khăn về tiếp cận đất đai, vốn tín dụng ngân hàng, đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo và sử dụng lao động lành nghề và nhiều chính sách khác dành cho DN…
Ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ đầu tư và KN, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN tỉnh cho rằng, còn thêm 2 quyền lợi quan trọng mà HKD khi chưa là DN bị mất đi. Theo ông Đặng Đức Thành, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, sản phẩm có thể bán thông qua trang web, trên mạng. Hiện nay, nhiều DN trên thế giới tiêu thụ sản phẩm rất mạnh thông qua kênh bán hàng này. Đây là lợi thế của DN mà HKD không có được, bởi khi mua sản phẩm của DN nếu xảy ra tranh chấp thì việc xử lý được công bằng hơn. Chưa kể việc HKD nếu bán bằng hình thức này phải qua khâu trung gian, lợi nhuận bị chia sẻ. Trong kinh doanh ai cũng muốn ăn nên làm ra, tăng doanh số, lợi nhuận. Để làm được điều này, một trong những đòi hỏi không thể thiếu là có nguồn tiền để thay đổi công nghệ, phương thức kinh doanh. HKD cá thể không đủ điều kiện vay ngân hàng với khoản tiền lớn, huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh càng khó khăn hơn…
Doanh nghiệp được hưởng nhiều quyền lợi
Ông Lâm Khắc Huy – doanh nghiệp ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, được sự quan tâm của UBND huyện Thạnh Phú và các phòng chuyên môn của huyện, tháng 4-2019, từ HKD ông đã chuyển lên thành Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Lâm Huệ do vợ ông là bà Lưu Thị Thúy Kiều đứng tên. Thời gian đầu thành lập, công ty gặp một số khó khăn nhất định. Sau đó, công tác quản lý DN từng bước bài bản và hiệu quả, thị trường ngày càng được mở rộng.
HKD khi chuyển lên loại hình DN được các quyền lợi, chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, hợp đồng bao tiêu với nông dân, hợp đồng xuất khẩu; vay vốn ngân hàng với mức cao hơn, lãi suất ưu đãi đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, thị trường. Bên cạnh đó, ông còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh. Một thuận lợi quan trọng nữa là trong ký kết các hợp đồng kinh tế có đủ tư cách pháp nhân. “Việc chuyển đổi từ HKD lên DN không hề khó khăn và đáng lo ngại như các HKD từng nghĩ. Chỉ có chuyển đổi lên DN thì mới được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế đất, hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận khoa học và công nghệ, đào tạo lao động, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường… Chính vì chưa nắm bắt, chưa hiểu hết những chính sách ưu đãi này nên HKD đã chịu thiệt thòi hơn so với các DN”, ông Lâm Khắc Huy nói.
Cũng theo ông Lâm Khắc Huy đã có một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho các HKD có động lực và chủ động chuyển lên DN như: cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư công khai, minh bạch và thuận lợi để DN dễ dàng gia nhập thị trường. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để toàn xã hội hiểu được vai trò quan trọng của lực lượng doanh nhân, DN trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thường xuyên công khai rộng rãi các quy hoạch ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để DN biết và đầu tư. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN, nhất là các chính sách về tín dụng, thuế, đầu tư trang thiết bị, xây dựng thương hiệu…
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN Nguyễn Trúc Sơn đề nghị, các huyện, thành phố rà soát nắm cụ thể số lượng DN, hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, có sự quan tâm chăm lo, đồng hành tháo gỡ khó khăn. Từng huyện, thành phố xem sản phẩm của DN là sản phẩm của địa phương, cần nâng niu và phát triển. Các hiệp hội mạnh dạn hơn trong tổ chức các hoạt động đồng hành cùng DN.
“Từ Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN khơi dậy tinh thần dấn thân lập nghiệp, KN làm giàu, thoát nghèo, phát triển kinh tế trong nhân dân. Xây dựng và phát triển đội ngũ DN, doanh nhân hoạt động xứng tầm, có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh. Tăng số lượng, quy mô và chất lượng HKD cá thể. Hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích, tạo động lực để các HKD đủ điều kiện phát triển lên DN. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển mới 5 ngàn DN và 100 DN dẫn đầu trong giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp
và phát triển doanh nghiệp)
|
Trần Quốc