Ngày 9/8, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức chương trình Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững (PTBV) lần thứ 7 liên tiếp với chủ đề “Hướng tới PTBV và mục tiêu Net Zero thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS)”.
Toàn cảnh chương trình Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững (PTBV) lần thứ 7, ngày 9/8 tại Hà Nội. (Nguồn: VBCSD-VCCI) |
Chương trình có sự tham gia của gần 70 đại diện các thành viên VBCSD và các cơ quan thông tấn, báo chí trong Mạng lưới báo chí về PTBV của VBCSD.
Nếu tại Hội nghị COP-27, lần đầu tiên các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) được đề cập trong quyết định bao trùm thì tại COP-28, đây là điểm sáng được đánh giá cao và tập trung thảo luận bởi các chuyên gia, các tổ chức cũng như các doanh nghiệp.
NbS được hiểu là các giải pháp sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. NbS bảo vệ, phục hồi thiên nhiên đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho con người. Theo Ngân hàng thế giới (WB), dự kiến nhóm giải pháp này có thể đóng góp 37% lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mang lại những lợi ích bổ sung như tăng cường khả năng chống chịu, sức phục hồi cho môi trường và hệ sinh thái trước thiên tai.
Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để PTBV”. Đây tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh chia sẻ tại chương trình. (Nguồn: VBCSD-VCCI) |
Phát biểu khai mạc chương trình Tập huấn, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: “Từ góc độ đó, có thể thấy NbS sẽ trở thành một trong những hướng đi ưu tiên được các Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam ưu tiên mạnh mẽ trong thời gian tới đây. Do đó, trong chương trình tập huấn năm nay, chúng tôi muốn giới thiệu đến các cơ quan truyền thông nội dung đang rất được quan tâm này để các nhà báo, phóng viên có thêm thông tin cập nhật về NbS, qua đó hỗ trợ các anh chị tác nghiệp hiệu quả hơn và đồng hành chặt chẽ hơn cùng VBCSD-VCCI, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình thúc đẩy kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh ‘vị’ tự nhiên”.
Chia sẻ tại chương trình, TS Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, PTBV, thuận theo tự nhiên là xu hướng chung của toàn cầu. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận và tận dụng được giá trị tự nhiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không ảnh hưởng đến tự nhiên.
“Doanh nghiệp tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất của doanh nghiệp để có mô hình phát triển phù hợp, nhiều doanh nghiệp đã đưa PTBV vào chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình và đem lại kết quả tích cực”, TS Nguyễn Sỹ Linh cho biết.
Theo các chuyên gia, có 5 bước để thực hiện NbS cho doanh nghiệp, bao gồm: Đánh giá xác định nhu cầu của doanh nghiệp và tài nguyên sẵn có; Xây dựng chiến lược, kế hoạch tích hợp vào chiến lược kinh doanh; Phát triển và triển khai các dự án; Giám sát, đánh giá thực thi; Nâng cao nhận thức – đào tạo tập huấn.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang rất quan tâm đến các giải pháp phát triển dựa vào tự nhiên. Trong đó, điển hình là Tập đoàn British American Tobacco; Tập đoàn Unilever Việt Nam; hay Traphaco…
Chia sẻ tại chương trình, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Truyền thông, Đối ngoại và PTBV của Unilever Việt Nam, cho biết: “Tại Unilever, chúng tôi tin rằng sự phát triển của doanh nghiệp gắn bó mật thiết với sự bền vững của xã hội, và chúng tôi đặt ra sứ mệnh phải chuyển đổi xanh để khuyến khích một nền tiêu dùng bền vững”.
Theo bà Nhi, vì không một doanh nghiệp nào có thể phát triển được trong bối cảnh nước biển dâng và môi trường nóng lên của toàn cầu. Nên trong quá trình phát triển, doanh nghiệp cần hài hoà lợi nhuận và bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia, diễn giả trao đổi về NbS tại chương trình. (Nguồn: VBCSD-VCCI) |
Bà Phạm Thị Cẩm Nhung – Điều phối Chương trình khí hậu – Năng lượng (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam – WWF Việt Nam), doanh nghiệp cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển dựa vào tự nhiên, bà Nhung đưa ra 4 khuyến nghị: Thiết lập cơ chế, chính sách, ưu đãi cho giải pháp thuận tự nhiên; Khai thác tiềm năng thị trường carbon đồng lợi ích giữa môi trường, xã hội và lợi nhuận kinh doanh; Lồng ghép NbS vào mô hình kinh doanh và chứng minh được tính hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh vào mô hình NbS.
Trong khuôn khổ chương trình buổi sáng, cũng diễn ra phiên Tọa đàm “Thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên trong PTBV doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu Net Zero” với sự tham gia của đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE); Công ty Traphaco, British American Tobacco, Greenfeed và Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Thông qua phiên Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những thông tin cập nhật về các chính sách nổi bật của Đảng, Nhà nước liên quan đến thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên; kinh nghiệm và thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh tạo ra đồng lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp, phát triển sinh kế của cộng đồng địa phương và đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên tại khu vực doanh nghiệp hoạt động; cũng như cách thức các tổ chức tài chính hỗ trợ các dự án áp dụng NbS.
Chiều cùng ngày, VBCSD cũng tổ chức buổi tham quan và làm việc tại Công ty CP Công nghệ cao Traphaco (Traphaco CNC) tại Hưng Yên. Traphaco CNC thành lập năm 2006 với tỷ lệ sở hữu của Traphaco trên 50%, tiên phong trong sản xuất Đông dược tại Việt Nam.
Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về PTBV là sáng kiến của VBCSD-VCCI, được triển khai thường niên từ năm 2018. Chương trình nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí những thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng PTBV của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Qua đó, VBCSD-VCCI giúp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn, và khuyến khích các nhà báo, phóng viên đồng hành chặt chẽ hơn cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm. |
Được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) là tổ chức định hướng doanh nghiệp, nơi quy tụ những doanh nghiệp (DN) hàng đầu và các tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện PTBV, là cầu nối giúp tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh PTBV. VBCSD hiện cũng là 1 trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV thế giới (WBCSD). Thông qua 5 hoạt động cốt lõi kết nối doanh nghiệp bao gồm truyền thông & nâng cao nhận thức, tập huấn, nghiên cứu, quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế, VBCSD-VCCI từng bước hỗ trợ đưa PTBV vào trọng tâm chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành “hơi thở” của mỗi doanh nghiệp. Các Chương trình, sáng kiến nổi bật hiện đang được VBCSD triển khai, bao gồm: (i) tổ chức thường niên Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam; (ii) thúc đẩy DN lập báo cáo PTBV; (iii) tổ chức thường niên Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV vững Việt Nam (VCSF); (iv) thành lập và duy trì Mạng lưới báo chí về PTBV; (v) thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư trong lĩnh vực PTBV, trong đó có Sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/khuyen-khich-doanh-nghiep-huong-toi-phat-trien-ben-vung-nho-cac-giai-phap-dua-vao-tu-nhien-281959.html