Tiêm vaccine phòng thuỷ đậu cho trẻ tại cơ sở y tế.
Bệnh thủy đậu gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước ghi nhận hàng ngàn ca bệnh thủy đậu, trong đó có trường hợp tử vong. Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2023, khu vực phía Nam ghi nhận 2.645 ca bệnh, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tại Tây Ninh, từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 89 ca. Các hđịa phương có số ca nhiễm thuỷ đậu cao nhất là thị xã Trảng Bàng 44 ca, thành phố Tây Ninh 26 ca và huyện Châu Thành 16 ca.
Bệnh thủy đậu thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em, với biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và phát ban dạng nốt phỏng, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày.
Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, vi rút có thể gây sẩy thai hoặc khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh…; nếu bị thủy đậu trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần với dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu của người bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch.
Các biện pháp phòng bệnh thủy đậu
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Đây là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Vaccine thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao. Nếu đã chủng ngừa đầy đủ thì rất ít khi mắc bệnh, nếu có mắc thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng bị lây nhiễm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Một số lưu ý đối với người mắc bệnh thủy đậu
Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da, người bệnh cần tắm nước ấm, lau rửa thân thể nhẹ hàng, tránh làm vỡ bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo hàng ngày. Người bệnh thủy đậu nên lựa chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để tránh cọ sát làm vỡ những vết mụn nước khiến dịch lây lan ra những vùng da xung quanh.
Bên cạnh đó, người bệnh cần vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng hàng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối sinh lý vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm. Đặc biệt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám nếu có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng đối với người bệnh thủy đậu. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, mau hồi phục, ngược lại có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh thủy đậu. Nếu trẻ đang bú mẹ bị bệnh, mẹ vẫn tiếp tục cho con bú bình thường.
Đình Tiến