Tin mới y tế ngày 22/9: Khuyến cáo phòng bệnh sau mưa lũ; Tăng cao ca bệnh mắc ký sinh trùng
Mỗi tháng, một cơ sở y tế tại TP.HCM ghi nhận khoảng 200 trường hợp nhiễm ký sinh trùng các loại ở cả trẻ em và người lớn.
Tăng cao các ca bệnh mắc ký sinh trùng
Gần 5 năm nay, bà L.T.H.V. (54 tuổi, Bình Định) liên tục chịu đựng cơn ngứa dữ dội kéo dài nhiều giờ của căn bệnh mề đay. Các hồng ban sẩn phù nổi bất cứ lúc nào, rải rác khắp toàn thân làm ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt, giấc ngủ. Bà V. đi khám ở nhiều nơi nhưng không tìm được nguyên nhân nổi mề đay, bệnh tái phát liên tục.
Ảnh minh họa |
Tại bệnh viện, người bệnh được chỉ định làm tầm soát nguyên nhân nổi mề đay như xét nghiệm ký sinh trùng, xét nghiệm 60 dị nguyên gây dị ứng… Kết quả cho thấy bà V. nhiễm giun đũa chó mèo và giun lươn.
Sau hai tuần điều trị bằng thuốc diệt ký sinh trùng đặc trị, xét nghiệm trong cơ thể người bệnh không còn giun lươn, giun đũa chó mèo. Tình trạng nổi mề đay ở người bệnh giảm dần.
Cũng đến khám vì nổi sẩn hồng ban mụn nước, da tróc vảy, ngứa nhiều nhất là vào ban đêm ở cổ, ngực, vai, nách, tay, vùng kín, anh M.K.Q. (28 tuổi, TP.HCM) bất ngờ nhận chẩn đoán đồng mắc ghẻ và nấm da.
Anh cho biết các triệu chứng xuất hiện từ một tuần trước, nghĩ bị côn trùng đốt thông thường, anh không đi khám cho tới khi đêm ngứa không ngủ nổi. Vợ cùng hai con học mẫu giáo của anh Q. cũng xét nghiệm thấy nhiều cái ghẻ trên mẫu bệnh phẩm.
Gia đình người bệnh được hướng dẫn xịt thuốc diệt ghẻ ngoài da, từ cổ tới hết thân mình, lưu lại trên da 8-12 tiếng mỗi ngày trong một tuần. Đồng thời giặt sạch, phơi khô dưới nắng hoặc sấy khô, là ủi và xịt thuốc lên các vật dụng trong nhà, nhất là chăn ga gối nệm, áo quần, mũ bảo hiểm… trong 8 ngày. Riêng anh Q. sau khi điều trị hết ghẻ sẽ điều trị nấm để tránh nguy cơ gây kích ứng da.
Lý giải vì sao người nhiễm ký sinh trùng thường hay nổi mề đay, ngứa nhiều, TS.Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết, hệ miễn dịch nhận diện ký sinh trùng là dị vật nên sẽ phản ứng để tiêu diệt, đào thải ký sinh trùng ra khỏi cơ thể.
Quá trình này giải phóng lượng lớn histamin gây viêm, sưng phù mao mạch dưới da dẫn đến viêm đỏ, phát ban, ngứa ngáy và khó chịu. Các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày cũng gây sưng tấy, tổn thương da.
Tuy nhiên, ký sinh trùng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, ngứa da. Do đó, khi có các triệu chứng ngứa, người bệnh nên đi khám để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác và có phương án điều trị phù hợp.
Bác sỹ Bích cho biết, có ba loại ký sinh trùng gây bệnh chính ở người, gồm vi nấm, sinh vật đơn bào (amip, cầu trùng, sốt rét…), giun sán (giun đũa, giun tóc, giun móc, giun đầu gai, giun lươn, sán lá gan, sán phổi, sán dây, sán lợn…) và ngoại ký sinh (bọ chó, chấy, rận, ghẻ, mạt…).
Còn theo Ths.Lê Minh Châu, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, đặc biệt khu vực miền Nam thời tiết nóng ẩm quanh năm rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh vi nấm.
Những yếu tố khác khiến nhiều người nhiễm bệnh về ký sinh trùng, trong đó có ghẻ là sống trong môi trường thiếu vệ sinh, sinh hoạt trong môi trường tập thể, dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như khăn, quần áo,…
Tập quán sinh hoạt của người dân, một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước như nông dân, nuôi trồng thủy hải sản, công nhân vệ sinh môi trường… có tỷ lệ nhiễm giun sán cao hơn.
Các loại ký sinh trùng đơn bào và giun sán (cả dạng trứng, ấu trùng, trưởng thành) thường có trên rau củ quả, các loại động vật như bò, heo, cá, cua, lươn, ếch, chim, rắn. Người có thói quen ăn rau sống, thịt sống, thịt tái, tiết canh, nem chua, thịt muối… có khả năng nhiễm bệnh cao.
Sở thích nuôi, ôm hôn, ngủ cùng chó, mèo nhưng không tẩy giun định kỳ cho vật nuôi, thả rông vật nuôi cũng khiến nhiều người nhiễm ký sinh trùng.
Bác sỹ Châu cho biết vật nuôi bị nhiễm giun sán, sau khi ký sinh trong cơ thể vật nuôi, chúng đẻ trứng rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân.
Hậu môn của chó, mèo chứa nhiều trứng giun. Khi chúng liếm hậu môn sau đó liếm lên thân thể, vật dụng sinh hoạt đã phát tán trứng khắp mọi nơi. Trứng giun bay trong không khí, bám vào thức ăn và xâm nhập vào cơ thể người, bác sĩ Châu cho hay.
Tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí ký sinh trong cơ thể người mà có những tác hại khác nhau, bác sĩ Long cho biết. Ký sinh trùng gây viêm da, nổi mề đay, nhiễm trùng; khi chui vào gan, mắt, não, tủy sống gây ra các triệu chứng liên quan như giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng, các bác sỹ khuyến cáo nên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn gỏi, đồ tái, tiết canh, rau sống. Người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước và sau ăn; sau khi tiếp xúc với đất, cát, nguồn nước bẩn, động vật; sau khi đi vệ sinh…
Thu gom rác thải đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại cho chó mèo và tẩy giun định kỳ. Ngoài ra, mỗi người nên chủ động tẩy giun định kỳ mỗi năm ít nhất hai lần.
Khuyến cáo phòng bệnh sau nưa lũ
Hết bão lũ, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Làm vệ sinh tất cả môi trường xung quanh như giải quyết ô nhiễm bùn đất, giải quyết xác súc vật chôn lấp ở đâu, giải quyết ô nhiễm nhà ở và tất cả ô nhiễm xung quanh nhà…
Điều rất quan trọng là giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân. Ở nông thôn có giếng, ở thành phố có bể chứa nước, chúng ta phải quét dọn bùn đất đi, thau rửa, khử khuẩn nước bằng cloramin B sau đó mới sử dụng.
Chuyên gia lưu ý, cần lưu ý, có những bệnh mắc sau lũ lụt, có bệnh bùng phát lên và dễ mắc như sốt xuất huyết, sốt rét thì phải có biện pháp theo từng bệnh. Sau lũ lụt những bệnh có vaccine mà có thể bùng lên thì trước đó phải phòng bệnh bằng tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi.
PGS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ là của chính quyền các cấp, các ngành, ngành Y tế là cơ quan tham mưu. Công tác chuẩn bị trước, trong, sau bão lũ không phải bão lũ đến mới làm mà cần có kế hoạch được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, nhiệm vụ phân công tuỳ theo đặc thù của từng địa phương.
Trước bão, ngành Y tế phải tập huấn nâng cao năng lực đáp ứng; chuẩn bị tốt thuốc, vật tư y tế, phương tiện, chất khử khuẩn, các phương tiện cứu hộ; truyền thông hướng dẫn người dân về cách xử lý môi trường, khử khuẩn, sử dụng nước sạch, an toàn thực phẩm… để phòng, chống dịch bệnh; thống kê các trường hợp cấp cứu có thể xảy ra trong bão lũ như bà đẻ, nhóm người dễ bị tổn thương để làm tốt công tác chuẩn bị.
Trong bão lũ, ngoài hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế bằng mọi cách tiếp cận được người dân càng sớm càng tốt như: phát thuốc, khử khuẩn để có nước sạch sử dụng, tư vấn cho người dân mắc các bệnh cấp cứu như viêm ruột thừa, đẻ rơi, đột quỵ… để họ đến cơ sở y tế sớm nhất.
Sau bão lũ, tiếp tục hướng dẫn người dân nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó. Chú trọng đến các bệnh xảy ra sau bão lụt như suy thể trạng do lao động quá sức; bệnh sang chấn tâm lý do mất hết của cải, mất người thân để kịp thời tư vấn. Lực lượng y tế càng sớm tiếp cận với người bệnh thì hiệu quả mang lại càng cao.
Đối với người dân, phòng còn hơn chống, trước bão lũ cần chuẩn bị thuốc khử khuẩn, cơ số thuốc thiết yếu, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể không bị nấm, viêm da, đau mắt đỏ… Người dân cũng đừng ngại tiếp cận cán bộ y tế, đừng chần chừ bởi chỉ chần chừ tiếp cận y tế có thể bệnh mãn tính chuyển thành cấp tính, nguy hiểm tới tính mạng.
Gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường gây ra
Ở Việt Nam, tiêu thụ nước giải khát (một loại đồ uống có đường phổ biến) đã tăng mạnh trong những năm qua. Theo số liệu của Statista, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 50,09 lít.
Trong khoảng thời gian từ năm 2002-2016, lượng tiêu thụ đồ uống có ga đã tăng gấp 3 lần, sản phẩm đồ uống thể thao và nước tăng lực tăng 9 lần và sản phẩm trà/café hòa tan tăng 6 lần.
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 25g/ngày Việt Nam là quốc gia có dân số ở độ tuổi 15-45 chiếm tỷ lệ hơn 46%. Đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của ngành công nghiệp nước giải khát.
Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2019 cho thấy: 33,96% học sinh Việt Nam sử dụng nước ngọt có ga ít nhất 1 lần/ngày và tỷ lệ này cao hơn so với năm 2013 (30,17%). Tại các hộ gia đình, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường cũng đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76 % năm 2016. Mức tiêu thụ này được dự báo là sẽ ngày càng tăng trong các năm tiếp theo.
Đồ uống có đường cũng là nguyên nhân của ít nhất 9 nhóm bệnh (nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường tuýt 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiết liệu, tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, sa sút trí tuệ…).
Tiêu thụ đồ uống có đường gây ra những tác động nặng nề lên nền kinh tế, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nhiều đồ uống có đường là một nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Khi uống các nước giải khát có đường sẽ tạo cảm giác no nhưng sau đó chúng ta không giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Tiêu thụ nhiều nước giải khát có đường làm gia tăng cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác. Đường trong nước giải khát có đường làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây ra huyết áp cao và viêm nhiễm.
Những thay đổi này đối với cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-229-khuyen-cao-phong-benh-sau-mua-lu-tang-cao-ca-benh-mac-ky-sinh-trung-d225553.html