HẠNH NGUYÊN
Giao tranh tại Sudan đang buộc hàng trăm ngàn dân thường đi lánh nạn, khiến Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, có thể lan sang các nước láng giềng.
Gần 400.000 người Sudan đang tị nạn tại miền Đông Cộng hòa Chad. Ảnh: Reuters
Kể từ giữa tháng 4, các đơn vị trung thành với Tư lệnh quân đội Abdel-Fattah Burhan đã chĩa súng về phía nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo.
Giao tranh tại thủ đô Khartoum cũng như nhiều khu vực đô thị khác đến nay đã khiến ít nhất 750 người thiệt mạng. Ngày 9-5, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết xung đột tại Sudan đã khiến số người di tản trong nước này tăng gấp đôi tuần qua, lên hơn 700.000 người.
Mặt khác, cuộc tranh giành quyền lực trên cũng đang tạo áp lực cho các nước láng giềng. Một vài quốc gia trong số này đang nằm dưới sự cai trị của quân đội, trong tình hình an ninh bất ổn và khó khăn về kinh tế. Hiện nay, hàng dài người tị nạn từ Sudan đang vượt qua biên giới để vào Nam Sudan, Chad hoặc Cộng hòa Trung Phi (CAR). Những người này đã đi bộ suốt 24 giờ nhưng khi đến khu vực biên giới thì không có lều trại, thực phẩm, nước uống hoặc quần áo. Phụ nữ và trẻ em chiếm 70% số lượng người tị nạn.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đang chuẩn bị tâm thế để hỗ trợ khoảng 800.000 người tị nạn trong khu vực nếu xung đột không sớm kết thúc. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang gặp những thách thức lớn trong việc tiếp nhận người tị nạn, bao gồm mất khả năng hỗ trợ tài chính cho họ. Theo phát ngôn viên của UNHCR Eujin Byun, các nước Ethiopia, Nam Sudan, Chad và Ai Cập đang tiếp nhận nhiều người Sudan. Trong số 600.000 người tị nạn ở Chad, có 400.000 người Sudan trốn chạy cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngay cả Chad cũng đang bất ổn về chính trị và đã trải qua các cuộc nội chiến. Nam Sudan thì chìm trong nội chiến kể từ khi trở thành quốc gia độc lập vào năm 2011.
Lo ngại từ cuộc đấu đá quyền lực ở Sudan
Khu vực Sahel, kéo dài từ Senegal ở phía Ðông đến Sudan ở phía Tây, là một đường đứt gãy địa chính trị. Do Sudan có chung đường biên giới với 7 quốc gia trên đất liền, nên khủng hoảng tại đây có nguy cơ lan rộng thành cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực. Sudan cũng là nơi giao nhau của nhiều vùng khác nhau như Bắc Phi, Sahel, Ðông Phi, Sừng châu Phi và Vịnh Arab. “Ðó là bức tranh rất phức tạp về những lợi ích và ảnh hưởng trong khu vực mà chúng ta đang thấy trong các cuộc đàm phán kết thúc giao tranh”, chuyên gia Ahmed Soliman tại tổ chức tư vấn Chatham House (Anh) chia sẻ với tờ DW.
Darfur, khu vực cực Tây của Sudan giáp với CAR, Chad và Libya, không chỉ là điểm đến của các lực lượng quốc tế ở Sudan. Tuy xuất thân từ Darfur, Tướng Dagalo của RSF cũng có gốc gác ở Chad và thậm chí người thân của ông hoạt động trong Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Chad. Ông này được cho là rất muốn tăng cường nền tảng quyền lực không chỉ tại Sudan mà còn muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng lớn hơn trên khắp Sahel. Do vậy, Tổng thống lâm thời của Chad, Mahamat Idriss Deby đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa quân đội Sudan và nhóm RSF.
Những mối quan hệ phức tạp trên đã dẫn đến bất ổn chính trị và hỗn loạn trong khu vực nhiều năm qua, gia tăng nguy cơ xung đột tại Sudan.
Người đứng đầu phái bộ LHQ tại Sudan (UNITAMS) Volker Perthes cho rằng giao tranh ở quốc gia này thu hút “những kẻ cơ hội” tìm đến nhằm làm giàu bản thân. Một hiểm họa khác là sự phổ biến các vũ khí nhỏ, vượt ra khỏi các đường biên giới có nhiều kẽ hở của Sudan và thậm chí có thể vươn tới Mali, Burkina Faso. Các nhóm vũ trang đã hoạt động tại những quốc gia này từ lâu và vũ khí mới sẽ khiến tình hình an ninh tại Sahel càng xấu hơn.