SGGP
Ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản); đồng thời thông báo hủy chuyến công du đến Australia và Papua New Guinea, để sớm trở lại Washington đàm phán, ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris (giữa) đàm phán về trần nợ công với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP |
Bộ Tứ hủy họp
Nhà Trắng ra thông cáo, Tổng thống Biden sẽ trở lại Mỹ vào ngày 21-5 để họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội nhằm đảm bảo rằng Quốc hội hành động trước hạn chót để ngăn tình trạng vỡ nợ của Chính phủ. Theo dự kiến, sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ông Biden sẽ tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) tại Sydney, Australia ngày 24-5. Tuy nhiên, sau thông báo của Tổng thống Biden, Thủ tướng Albanese đã tuyên bố hủy cuộc họp của nhóm Bộ Tứ tại Australia.
Về cuộc đàm phán trần nợ công ở Mỹ, sau nhiều ngày đàm phán, quan điểm của phe đa số đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Tổng thống Biden vẫn còn nhiều khác biệt. Các đảng viên Cộng hòa đã từ chối bỏ phiếu nâng trần nợ vượt quá giới hạn 31,3 ngàn tỷ USD trừ khi Tổng thống Biden và các thành viên đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang.
Tuy nhiên, theo Reuters, sau cuộc đàm phán ngày 16-5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này. Đảng Cộng hòa cho biết ông Biden đồng ý cắt giảm chi tiêu đáng kể để đổi lấy sự ủng hộ của họ trong việc nâng trần nợ. Còn theo Nhà Trắng, ông Biden “lạc quan” về một thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng có trách nhiệm nếu cả hai bên đàm phán một cách thiện chí.
Cuộc chiến chống lạm phát còn dài
Trong khi cuộc chiến chống vỡ nợ đang căng thẳng, Nhà Trắng còn phải đối phó với cuộc chiến dài hơi hơn, đó là chống lạm phát. Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho biết, nước này đang chuẩn bị cho một chặng đường dài và khó khăn mới có thể trở lại mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngay cả khi có những dấu hiệu lạc quan ban đầu. Theo tờ Financial Times, khi những lo ngại về Covid-19 lắng xuống và các nhà hàng, rạp chiếu phim… mở cửa trở lại, lạm phát liên quan đến dịch vụ bắt đầu tăng; chi phí nhà ở cũng bùng nổ. Từ đó đẩy lạm phát gia tăng.
Trong 15 tháng qua, FED đã tăng lãi suất tổng cộng hơn 5%, mức tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ khi họ tìm cách làm giảm lạm phát. Các cơ quan chức năng hiện đang cân nhắc có nên siết chặt nền kinh tế hơn nữa để đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%. Tính đến tháng 3, lạm phát trung bình hàng năm của Mỹ là 4,6%. Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo có thể FED tiếp tục đà tăng lãi suất đến năm 2025. FED từng khẳng định sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến năm 2024.