Ông Lê Quốc Vinh vừa cho ra mắt cuốn sách đầu tiên của mình, một cuốn sách về quản trị khủng hoảng mà ông là chuyên gia trong mấy chục năm qua – cuốn Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông.
Cuốn sách chỉ cách giải quyết khủng hoảng truyền thông
Sách được mở bán chính thức trên các nền tảng của RIO Book từ ngày 24-6. Đây là cuốn sách về quản trị rủi ro, giải quyết khủng hoảng truyền thông hiếm hoi được viết từ chính kinh nghiệm thực tế.
Cuốn sách được viết ra từ kinh nghiệm gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, trực tiếp đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng lan truyền trên truyền thông của tác giả.
Sách mang đến chỉ dẫn về các phương pháp quản trị khủng hoảng, nhấn mạnh vào ba yếu tố chính: giải quyết sự cố triệt để, kiểm soát thông tin một cách khách quan và hành động nhân văn.
Nhưng trước nhất, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu đúng về quan hệ công chúng, vốn lâu nay thường bị hiểu sai.
Coi trọng lợi ích của mình hơn lợi ích của khách hàng, khủng hoảng sẽ tìm đến
Về thông điệp chủ đề của cuốn sách “khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”, tác giả Lê Quốc Vinh cho biết nhiều doanh nghiệp, tổ chức thường hiểu sai rằng khủng hoảng bắt đầu từ truyền thông nên dẫn đến xử lý khủng hoảng sai cách.
Nếu hiểu khủng hoảng chỉ ở trên các phương tiện truyền thông thôi thì sẽ dẫn đến phương pháp xử lý sai lầm.
Nên rất nhiều doanh nghiệp khi xử lý khủng hoảng chỉ tìm cách gỡ bỏ hoặc khỏa lấp thông tin tiêu cực, ngỡ rằng như vậy là đã xử lý xong. Nhưng không phải thế.
Cách xử lý khủng hoảng như vậy sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy về sau, tiêu hủy niềm tin từ công chúng, cộng đồng.
Theo ông Vinh, khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông đưa tin tiêu cực về cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, mà bắt nguồn từ chính văn hóa, triết lý kinh doanh, hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Khủng hoảng dễ đến nhất khi doanh nghiệp chỉ chăm chăm tìm kiếm lợi nhuận, coi trọng lợi ích của mình hơn lợi ích của khách hàng. Điều này tiềm tàng nguy cơ nổ ra khủng hoảng.
Khi khủng hoảng xảy ra lại cố che giấu bằng mọi cách, trốn tránh truyền thông thì khủng hoảng càng khó giải quyết và để lại hệ lụy lâu dài.
Muốn giải quyết khủng hoảng thì phải giải quyết từ gốc, đó là giải quyết các vấn đề đã dẫn tới khủng hoảng, những vấn đề nằm ở triết lý, văn hóa của doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khung-hoang-khong-bat-dau-tu-truyen-thong-20240623173631739.htm