Mùa Đông năm nay, thế giới có thể chứng kiến giá khí đốt tăng cao do nhu cầu tăng và thời tiết không còn thuận lợi, trong khi tăng trưởng hoạt động công nghiệp bị cản trở bởi giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ.
Tuyến đường ống quá cảnh dẫn khí đốt Nga qua Ukraine đến châu Âu dự kiến sắp bị đóng cửa. Hình ảnh cảng Zeebrugge, Bỉ. (Nguồn: Financial Times) |
Các quy định mới về phát thải khí methane của Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm giá LNG tăng cao hơn, khiến việc phục hồi công nghiệp và năng lượng với giá cả phải chăng ở lục địa này trở nên khó khăn hơn trong tương lai gần.
Không chỉ thế, việc châu Âu chuyển đổi khỏi các đường ống khí đốt Nga sang LNG đã làm tăng chi phí năng lượng toàn cầu.
Khi EU gây sức ép cho Moscow bằng các lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022, khí đốt đã trở thành tâm điểm chú ý, bởi Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của liên minh.
Thay vì khí đốt từ xứ sở bạch dương, khối 27 thành viên đã tăng cường mua LNG ở nhiều quốc gia, trong đó có Nga.
Tuyến đường ống quá cảnh dẫn khí đốt Nga qua Ukraine đến châu Âu dự kiến sắp bị đóng cửa. Nguyên nhân bởi Kiev tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận với tập đoàn dầu khí Gazprom. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Các nhà lãnh đạo châu Âu tự tin và khẳng định rằng: “Khu vực sẽ ổn dù không có khí đốt của Nga”.
Thế nhưng, Oil Price cho hay, tháng 5/2024, dòng khí đốt của Gazprom qua Ukraine đến châu Âu đã tăng 39% so với một năm trước đó.
Hãng tin Reuters (Anh) cũng cho biết, kể từ đầu năm nay, “gã khổng lồ” Gazprom đã xuất khẩu khoảng 13 tỷ m3 khí tự nhiên sang châu Âu. Đây chỉ là một phần nhỏ so với những gì Nga xuất khẩu sang phương Tây, phần còn lại đã được thay thế bằng LNG. Đây là một vấn đề đối với châu Âu.
Ông Javier Blas, chuyên gia phân tích của Bloomberg nhận định, cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu “còn lâu mới kết thúc”. Điều này đi ngược lại tất cả các tuyên bố chính thức kể từ mùa Đông năm 2022, khi lục địa này cho rằng đã giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, trước khi nó kịp xảy ra.