Tôi rất thích cảm giác khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn ra ngoài cửa sổ để ngắm những mảng xanh dường như bất tận dưới mặt đất kia.
Những mảng xanh cây lá tự nhiên đó, kết hợp với các dòng chảy ngoằn ngoèo của những con sông, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc, lại nằm kề bên một đô thị sầm uất ở vùng đồng bằng giàu có bậc nhất Việt Nam.
Đó chính là rừng ngập mặn Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.
Đây là khu bảo tồn sinh thái trọng điểm mang tầm Quốc gia, hay chỉ đơn giản theo cách gọi thân thuộc của người Sài Gòn – rừng Sác.
Các mảng xanh của rừng Sác từ xa xưa, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên một trong những vùng phát triển kinh tế cực thịnh trong nhiều năm liền, mà lại chưa bao giờ chịu hậu quả của thiên tai. Thật vậy, Sài Gòn từ xưa đến nay, hiếm khi nào đối mặt với những cơn bão nhiệt đới thổi lên từ phía Nam hoặc từ biển Đông đổ vào.
Rừng Sác che chắn bão giông, không những thế, khu dự trữ sinh quyển này còn như một chiếc máy điều hoà nhiệt độ, tái tạo nhanh chóng bầu không khí ngột ngạt của thành phố trở lại trong lành.
Điểm nổi bật của rừng Sác là phần lớn diện tích của nó được ngăn cách bởi các con sông lớn.
Chính vì sự chia cắt hoàn toàn với đất liền, rừng Sác đã hình thành nên một vùng đầm lầy ngập mặn với hệ sinh thái điển hình, nằm tương đối tách biệt với cuộc sống con người trong suốt nhiều thế kỷ nên không chịu tác động bởi hoạt động khai thác.
Rừng Sác có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Chính vì những yếu tố môi trường độc đáo đó, UNESCO đã công nhận rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2000.
Tạp chí Heritage