Kế hoạch thay đổi khu ổ chuột Dharavi được dẫn dắt bởi tỷ phú và ông trùm cơ sở hạ tầng Gautam Adani, người sáng lập Tập đoàn Adani và từng vượt qua tỷ phú Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới vào năm 2022.
“Một chương mới của niềm tự hào đang bắt đầu. Đây là cơ hội lịch sử để chúng ta tạo ra một Dharavi mới về phẩm giá, an toàn và hòa nhập”, Adani viết trong một thông điệp trên trang web của công ty sau khi giành được hợp đồng tái phát triển khu vực này vào năm 2022.
Ông thề sẽ “tạo ra một thành phố hiện đại đẳng cấp thế giới, phản ánh một Ấn Độ đang hồi sinh, tự tin và đang phát triển, tìm được vị trí mới trên trường toàn cầu vì thế kỷ 21 thuộc về Ấn Độ”.
Tuy nhiên, tầm nhìn của ông về một Dharavi mới đã vấp phải những phản ứng trái chiều, từ những cư dân đầy hy vọng sẵn sàng thay đổi cho đến những người hoài nghi. Một số người phản đối kịch liệt đề xuất này, lo ngại rằng kế hoạch của Adani có thể gây nguy hiểm cho nhà cửa và cơ sở kinh doanh của họ.
Theo chính quyền Mumbai, hơn một thế kỷ qua, Dharavi đã đón những người di cư đổ xô đến định cư vì đây là vùng đất tự do và không chịu sự quản lý của chính quyền.
Từ cuối những năm 1800, những thợ gốm truyền thống của Gujarat, những thợ da từ Tamil Nadu và thợ thêu từ Uttar Pradesh đã bắt đầu đến Dharavi. Giáo sư về quy hoạch và chính sách đô thị Lalitha Kamath tại Viện Khoa học Xã hội Tata ở Mumbai, cho biết những người di cư và dân số nghèo đã xây dựng một nơi có thể sinh sống được ở Dharavi. Họ đã cải tạo nó từ vùng đất đầm lầy thành một nơi thực sự có giá trị như ngày nay.
Nhưng vì tính chất không chính thức, Dharavi vẫn chưa phát triển và hỗn loạn trong nhiều năm. Trong nhiều thập kỷ, chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm các nhà phát triển và xây dựng có thể tái phát triển Dharavi từ trên xuống dưới. Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra: Những cư dân nào sẽ được tái định cư và đi đâu? Chủ doanh nghiệp sẽ được bồi thường như thế nào? Ai sẽ đủ điều kiện?
Bà Kamath nói: “Việc tái phát triển toàn bộ khu ổ chuột khá khó khăn. Dharavi có những thách thức đặc biệt do quy mô dân số, tầm quan trọng của nền kinh tế và giá trị của đất, được bao quanh bởi các khu thương mại giàu có ở trung tâm thành phố, đủ gần sân bay để máy bay đến có thể nhìn thấy sự trải rộng của khu ổ chuột từ trên không”.
Sau nhiều năm tiến độ bị đình trệ và các quy trình đấu thầu không thành công, công ty của Adani đã giành được quyền tái phát triển Dharavi với giá thầu 50 tỷ rupee (612 triệu USD). Dự kiến sẽ mất 7 năm để hoàn thành và là siêu dự án mới nhất do Adani Enterprises đảm nhận, công ty hiện đang cung cấp điện cho Mumbai.
Adani thông báo trên trang web của mình rằng khoảng một triệu người sẽ được “phục hồi và tái định cư”, với nhà ở và cơ sở kinh doanh sẽ được tái phát triển. Ông cam kết rằng người dân sẽ có cơ sở chăm sóc sức khỏe và giải trí tốt hơn, không gian rộng mở, bệnh viện và trường học,…
Theo người phát ngôn của dự án tái phát triển Dharavi (DRPPL), những cư dân ở tầng trệt sống ở Dharavi trước năm 2000 sẽ được cấp một căn hộ miễn phí trong khu vực có diện tích ít nhất là 32,5 mét vuông.
Những cư dân ở tầng cao hơn, hoặc những người sống ở đó từ năm 2000 đến năm 2011, sẽ nhận được một ngôi nhà rộng 27,9 mét vuông sau khi thanh toán một lần 250.000 rupee (khoảng 3.000 USD), nằm cách Dharavi 10 km.
Những người chuyển đến Dharavi sau năm 2011 cũng sẽ nhận được một ngôi nhà rộng 27,9 mét vuông trong cùng bán kính nhưng sẽ phải trả tiền thuê nhà cho nhà nước.
Người phát ngôn cho biết tất cả các căn hộ, ở hoặc gần Dharavi, sẽ có phòng ngủ, nhà vệ sinh và nhà bếp riêng biệt. Kế hoạch này là sự hợp tác giữa chính quyền bang Adani và Maharashtra. Bản thân đất đai sẽ vẫn thuộc sở hữu của nhà nước.
Một số người nhiệt tình ủng hộ kế hoạch của Adani. Một cư dân tên Jadhav cho biết: “Tôi sẽ rất vui nếu sự phát triển diễn ra. Tôi muốn con cái tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn và chuyển từ đây đến một nơi có đủ tiện nghi như trường học tốt và công viên để chúng vui chơi”.
“Nếu Adani thực hiện đúng như lời hứa thì cuộc sống của chúng tôi chắc chắn sẽ được cải thiện”, bà nói thêm.
Nhưng một số cư dân vẫn chưa tin. Ông Dilip Gabekar, 60 tuổi, sinh ra tại Dharavi và làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở khu ổ chuột, cho biết: “Trong 30 năm qua, chúng tôi đã mơ ước và nghe về việc tái phát triển, nhưng chẳng có gì xảy ra cả”.
Hoài Phương (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/khu-o-chuot-lon-nhat-an-do-sap-tro-thanh-sieu-thanh-pho-post301903.html