Cảng biển nước sâu, hệ thống bến cảng chuyên dụng, giao thông đồng bộ từ đường sắt, hàng không, đường bộ, chính sách thuế ưu đãi… là những lợi thế cực lớn mà Dung Quất dành cho nhà đầu tư.
Khu kinh tế Dung Quất nằm giữa đất nước, với những lợi thế cực lớn đảm bảo nhà đầu tư đặt nhà máy, công ty ở đây có thể hoạt động lâu dài. Thực tế những “đại bàng” trong và ngoài nước như Doosan, Hòa Phát, Lọc hóa dầu… đã phát triển vượt bậc từ khi đến Dung Quất.
Những lợi thế khó cưỡng ở Dung Quất
30 năm từ khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn Dung Quất làm nơi đặt nhà máy lọc dầu số 1, khu kinh tế đã phát triển chóng mặt.
Khu kinh tế Dung Quất nằm giữa hai đầu đất nước, có hệ thống giao thông trục chính được đầu tư đồng bộ; đường quốc lộ, cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam đi qua; cách đường hàng hải quốc tế 90km, cách đường hàng hải nội địa 30km; là cửa ngõ ra Biển Đông của hành lang kinh tế Đông – Tây; nằm cạnh sân bay Chu Lai và Khu kinh tế mở Chu Lai, liên kết chặt chẽ với Khu kinh tế mở Chu Lai để phát huy tiềm năng, lợi thế.
Thứ hai, Dung Quất có thuận lợi mang tính khác biệt là cảng biển nước sâu, với hệ thống bến cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000 DWT, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra quốc tế.
Thứ ba, Dung Quất có các bãi biển đẹp, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, gắn kết thuận lợi với huyện đảo Lý Sơn, thuận lợi cho nhà đầu tư lớn phát triển đô thị – dịch vụ – du lịch.
Thứ tư, sau khi quy hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 168 ngày 28-2-2023, hiện nay đã phê duyệt 4/11 đồ án quy hoạch phân khu.
Dự kiến đến quý 1 năm 2025 sẽ phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu còn lại. Một quỹ đất cực lớn để phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ được mở ra cho nhà đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tính đến nay, Dung Quất đã thu hút 350 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 396.800 tỉ đồng, trong đó có 66 dự án FDI.
Vốn thực hiện đến nay khoảng hơn 12 tỉ USD. Với 212 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho 74.000 lao động. Đây là lực lượng sản xuất tại chỗ, là nền tảng quan trọng để nhà đầu tư an tâm về lực lượng sản xuất khi đầu tư vào Dung Quất.
Những chính sách ưu đãi và định hướng phát triển ở Dung Quất
Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Dung Quất được ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án.
Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất, được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án.
Dung Quất được xem là thủ phủ của công nghiệp miền Trung. Vì thế mô hình tăng trưởng vẫn lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng trụ cột chính. Cùng với đó là định hướng phát triển mạnh du lịch, dịch vụ dựa vào những thắng cảnh tuyệt đẹp trong khu vực để làm động lực tăng trưởng. Dung Quất cũng mời gọi nhà đầu tư phát triển đô thị để gắn kết các trụ cột kinh tế cộng sinh hữu cơ.
Chiến lược trọng tâm của Khu kinh tế Dung Quất là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, xây dựng các trục kết nối trực tiếp với cảng biển, sân bay, ven biển; hình thành trung tâm du lịch trọng điểm; liên kết giao thông đường bộ nội khu với giao thông quốc gia (cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 1).
Hình thành các đô thị dịch vụ, đô thị du lịch theo mô hình đô thị thông minh, đô thị sinh thái. Gắn phát triển đô thị với phát triển nhà ở cho người lao động, tái định cư và an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng dự án.
Ưu tiên sử dụng công nghệ mới thân thiện môi trường; phát triển năng lượng tái tạo (gió, điện mặt trời, nhiệt năng…). Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái trong khu vực.
Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất luôn hỗ trợ nhà đầu tư
Theo ông Nguyễn Hải Trường – phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, từ định hướng chung của quốc gia, vùng và tỉnh Quảng Ngãi, với tiềm năng và thế mạnh hiện nay sẽ tập trung xây dựng Dung Quất thành khu kinh tế chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững.
Ông Trường cho biết để phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian tới Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm, thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy hoạch được duyệt, như quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng khu kinh tế; quy hoạch phân khu; quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng…
Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng. Phối hợp, gắn kết với các địa phương trong vùng xúc tiến đầu tư. Hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên kết tỉnh, liên kết vùng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
“Hướng đi của Dung Quất vẫn là đầu tư, phát triển thành khu kinh tế ven biển chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực; hình thành tuyến container tại cảng Dung Quất; quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”, ông Trường nói.
Dung Quất sẵn sàng mở cửa chào đón nguồn lực và thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch, ưu tiên các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa.
Ông Trường cho biết: “Ban quản lý sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ nhà đầu tư tất cả các thủ tục dự án. Đổi mới công tác xúc tiến hỗ trợ đầu tư, từng bước chuyển đổi mô hình Khu kinh tế Dung Quất, phát triển theo hướng thông minh, sinh thái và hiệu quả cao”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khu-kinh-te-dung-quat-co-nhung-tien-nang-uu-dai-gi-cho-nha-dau-tu-2024112411475455.htm