Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Thái Nguyên là nơi ghi dấu lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, biểu tượng cho tinh thần yêu nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là một trong những địa danh lịch sử quan trọng, ghi dấu những trang vàng trong lịch sử báo chí và cách mạng Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Nằm tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Khu di tích không chỉ là biểu tượng của tinh thần yêu nước mà còn là minh chứng cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng nước ta trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập vào năm 1949 theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu đào tạo các cán bộ báo chí cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Đây là trường dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mang tên nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Huỳnh Thúc Kháng, người mà Bác Hồ đã từng ngợi khen “là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Một số học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Trong thời gian hoạt động ngắn ngủi, từ tháng 4-7/1949, trường đã tổ chức khóa đào tạo báo chí đầu tiên với 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí, với hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn, những nhà hoạt động văn hóa có tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giảng dạy tại trường, nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc cổ vũ tinh thần chiến đấu và xây dựng đất nước. Sau khi tốt nghiệp, các học viên đã trở thành những cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa nước nhà.
Năm 2019, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, “địa chỉ đỏ” giáo dục cách mạng, đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Trường.
Khách tham quan chiêm ngưỡng bức phù điêu với 48 chân dung thành viên ban giám hiệu, giảng viên và học viên của trường. (Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường) |
Khu di tích gồm nhiều hạng mục như nhà bia tưởng niệm, phòng trưng bày hiện vật và khu tái hiện cảnh quan lịch sử. Những hiện vật tại đây, từ bút viết, máy in đến các tài liệu báo chí, đều mang đậm dấu ấn lịch sử, giúp tái hiện sinh động hoạt động học tập và làm việc của trường.
Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, khu di tích còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Đây cũng là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh lịch sử cách mạng của Thái Nguyên. Với giá trị văn hóa và tinh thần to lớn, Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là một di sản quý báu, nơi ghi dấu tinh thần cách mạng và sự phát triển không ngừng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nguồn: https://baoquocte.vn/khu-di-tich-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-cai-noi-cu-a-ne-n-bao-chi-cach-mang-viet-nam-295264.html