Sáng 16-4, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tiếp thu ý kiến, trao đổi kinh nghiệm với đại diện các ban ngành, doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư tại KCNC. Ban quản lý KCNC đề ra phương hướng nhiệm vụ hoạt động trong năm 2024, thực hiện mục tiêu kép chuyển đổi số – chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý KCNC cho biết, đơn vị đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra (giai đoạn 2021-2025) như: tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật trong KCNC.
Từ năm 2021 đến nay, KCNC thu hút đầu tư 6 dự án mới với tổng vốn 186.898.750 USD (trong đó: FDI 76.963.950 USD, trong nước 109.934.800 USD) chiếm 11% vốn thu hút đầu tư dự án mới của thành phố. Số dự án thuê đất là 5/6 dự án với diện tích đất thuê là 52.992 m2, tổng vốn đầu tư 179.934.800 USD và suất đầu tư trên đất của dự án thuê đất là 33.955.344 USD/ha, cao hơn gấp 5 lần so với KCN – KCX.
Tuy số lượng dự án của giai đoạn này có giảm sút nhưng hàm lượng công nghệ cao và suất đầu tư lớn, đúng định hướng về thu hút đầu tư công nghệ cao. Vốn thu hút đầu tư vượt hơn 50% kế hoạch đề ra của cả giai đoạn 2021-2025, trong khoảng thời gian này, vốn đầu tư từ các công ty FDI có mức tăng khá lớn.
Tính đến nay, KCNC có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 12,4 tỷ USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 10,14 tỷ USD/53 dự án (chiếm 32,32%); dự án trong nước là 2,24 tỷ USD/111 dự án (chiếm 67,68%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp triển khai đưa vào hoạt động đã tạo việc làm cho hơn 47.000 người lao động.
Ban quản lý KCNC đề ra phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024 đến các doanh nghiệp, nhằm phát triển mục tiêu kép chuyển đổi số – chuyển đổi xanh như: Phát triển 17 công nghệ tiên phong cho chuyển đổi xanh (IoT, năng lượng mặt trời tập trung, Blockchain, công nghệ nano, 5G, nhiên liệu sinh học, xe điện…) và 10 công nghệ mới nổi (như pin dẻo, AI tạo sinh, nhiên liệu hàng không bền vững, thiết kế thể thực khuẩn, cảm biến cho thực vật, AI chăm sóc sức khoẻ…).
Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo chiếm khoảng 20%; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng tăng so với kịch bản từ 7%-10%; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản từ 15%-35%; số lượng công trình xanh đạt 100% công trình xây dựng mới.
“Mục tiêu đến 2030-2045, KCNC sẽ trở thành một tiểu khu đô thị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Trong năm 2024, KCNC TPHCM được củng cố và cơ chế một cửa tại chỗ, tận dụng các chính sách này để đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai xây dựng nhanh các dự án để sớm đưa vào hoạt động. Thông qua hội nghị, Ban quản lý mong doanh nghiệp luôn đồng hành, thực hiện nghiêm các quy định về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư, báo cáo R&D, thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các nghĩa vụ tài chính khác để góp phần xây dựng Khu Công nghệ cao ngày càng phát triển, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của thành phố”, ông Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
BÙI TUẤN