Thông tin từ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), thời gian qua, đơn vị đã ghi nhận được 19 loài thú, 13 loài chim và 1 loài bò sát thông qua các điểm đặt bẫy ảnh, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm.
Clip: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) bẫy ảnh thấy nai rừng và hàng chục động vật hoang dã nguy cơ tuyệt chủng.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có tổng diện tích gần 45.000ha, trải dài trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) và một phần giáp ranh với địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tại đây, có hệ động vật và thực vật rất đa dạng, phong phú, quý hiếm. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã ghi nhận 80 loài thú, 298 loài chim, 63 loài bò sát và 33 loài lưỡng cư, côn trùng có 302 loài và 35 loài cá.
Trong đó có đến 17 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: chồn dơi, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, voọc chà vá chân nâu, vượn má hung, gấu ngựa, gấu chó, rái cá thường, cầy mực, beo lửa, hổ, bò tót, sơn dương, tê tê vàng, sóc bay lớn…
Đặc biệt, gà lôi lam đuôi trắng, một loài gà lôi quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cũng có mặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng lắp đặt 88 điểm đặt bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học và đã ghi nhận được 19 loài thú, 13 loài chim và 1 loài bò sát tại khu vực Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Trong đó, 19 loài thú được ghi nhận gồm: thỏ vằn, sóc má đào, khỉ mốc, dúi mốc, sóc đen, cầy vòi hương, cầy mốc cua, mèo rừng, cheo cheo, cầy vòi mốc, đồi, sóc bụng đỏ, chuột, khỉ vàng, nai, chồn bạc má Bắc, cầy gấm, lợn rừng, chồn họng vàng.
13 loài chim được ghi nhận gồm: gà so lưng vạch, đuôi cụt bụng vằn, diều hoa Miến Điện, gà so ngực gụ, cu luồng, khướu khoang cổ, vạc rừng, gà rừng, đuôi cụt đầu xám, gà lôi hông tía, gà lôi trắng, khướu đầu trắng, chích chòe lửa.
Trong số các loài thú và loài chim được ghi nhận qua điểm bẫy ảnh nói trên, có nhiều cá thể nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB và IIB, có trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, nghiêm cấm việc săn bắt, khai thác, buôn bán trái phép và cần ưu tiên được bảo vệ, bảo tồn.
Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần có những giải pháp và hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trên lâm phần do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý.
Nguồn: https://danviet.vn/khu-bao-ton-thien-nhien-ke-go-ha-tinh-bay-anh-thay-nai-rung-va-hang-chuc-dong-vat-hoang-da-20241213223942585.htm