Dịp Xuân Quý Mão 2023, được sự phân công của Ban Biên tập Báo Nam Định, tôi đã tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa. Chuyến công tác với hải trình gần 20 ngày đã để lại trong tôi những trải nghiệm, cảm xúc khó quên.
Các nhà báo tác nghiệp tại đảo Đá Đông. |
Trước chuyến công tác, tôi được đồng nghiệp trong cơ quan từng tham gia các đoàn trước đó chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hành lý, bảo quản thiết bị, phương thức tác nghiệp, cách chống say sóng…, nhất là giữ gìn sức khỏe cho chuyến đi dài ngày. Những ngày tập kết ở thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân luôn nhắc nhở, chuyến công tác lần này có nhiều điểm đặc biệt, đó là hải trình diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, thời gian hoạt động trên biển dài ngày; công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần thực hiện chặt chẽ. Để đảm bảo hải trình an toàn, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của lãnh đạo đoàn. Đúng theo kế hoạch, sau 3 hồi còi ngân vang, tàu Quân y 561 chở đoàn công tác số 2 rời quân cảng Cam Ranh rẽ sóng đến thăm các đảo: Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Đá Đông. Vừa ra khỏi vịnh, tiếng loa phóng thanh của thuyền trưởng trên tàu cảnh báo có gió to, sóng lớn. Gần 1 giờ sáng, trong khi nhiều thành viên trên tàu đang say sóng, bỗng tiếng động mạnh trên boong đánh thức tất cả. Cơn sóng bao trùm làm tàu lắc dữ dội. Chỉ huy tàu cùng các thủy thủ nhanh chóng kiểm tra, chằng buộc lại hàng hóa gửi ra đảo. Những ngày sau đó, biển vẫn động, nhiều thành viên trên tàu say sóng không xuống nhà ăn. Các đồng nghiệp khỏe hơn mang cơm, cháo chăm sóc những người say sóng; lực lượng quân y thường xuyên thăm, khám sức khỏe thành viên trong đoàn. Được sự quan tâm chu đáo, các phóng viên trong đoàn như tiếp thêm sức mạnh nỗ lực vượt qua khó khăn. Sau hải trình gần 2 ngày đêm, tàu Quân y 561 chở đoàn công tác đến Đảo Trường Sa. Khi lên đến đảo, tất cả mệt mỏi, âu lo của các thành viên đoàn công tác đều tan biến, thay vào đó là hòa cùng bầu không khí hân hoan của cán bộ, chiến sĩ trên đảo…
Do ở các đảo, thời gian tác nghiệp chỉ khoảng 30 phút nên chúng tôi làm việc theo nhóm, các phóng viên bầu người phụ trách, phân chia nhiệm vụ quay, chụp, phỏng vấn… Kết thúc buổi tác nghiệp, chúng tôi cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đạt hiệu quả thông tin bài viết cao nhất. Trong đoàn, có những nhà báo nữ cả hải trình say sóng, nhưng khi lên bờ tác nghiệp lại hoạt động hết công suất. Nhà báo Nguyễn Thúy Ngân, nhà báo Phương Thúy của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn trong số tốp đầu đoàn công tác đặt chân lên đảo Trường Sa. Máy móc, tư trang cá nhân được các chị chuẩn bị kỹ càng. Do đã lên trước format các chuyên đề, nên ngày đầu tiên lên đảo các chị hầu như không nghỉ với lịch quay và phỏng vấn dày đặc. Biên tập viên Quách Duyên, Đài Truyền hình Việt Nam cùng quay phim Quốc Anh đã kỳ công thực hiện tác nghiệp một số chuyên đề về cuộc sống người lính đảo, các cảnh sinh hoạt văn nghệ, đọc sách, rèn luyện thể dục thể thao của cán bộ, chiến sĩ trên đảo… Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này, tôi chứng kiến những nhà báo cất công mang nhiều phần quà chất chứa tình cảm từ đất liền ra đảo. Nhà báo Nguyễn Cúc công tác tại Thông tấn xã Việt Nam đã cất công mang một con lợn đất mang tên “Chiến binh” của các em học sinh lớp 5D năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tặng thầy, trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa như một món quà đầu năm mới. Chú lợn đất “Chiến binh” được các học sinh “nuôi” trong suốt năm học 2021-2022 bằng tiền tiết kiệm, tiền mừng tuổi. Nhà báo Trần Văn Hiền, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk đại diện cơ quan trao gửi 5 tấn phân vi sinh với mong muốn phát triển cây xanh trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Mỗi cơn mưa, mỗi lần tàu lắc mạnh, việc đầu tiên của anh Hiền làm là lên boong kiểm tra cùng cán bộ, chiến sĩ; anh chỉ thở phào nhẹ nhõm khi quà được bàn giao an toàn đến từng đảo. Nhà báo Mai Thanh Hải, Báo Thanh Niên đã chuyển nhiều phần quà của cơ quan và nhà tài trợ như lịch Tết, máy cạo râu… đến cán bộ, chiến sĩ các đảo. Cô Đặng Phương Hoa, Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang đã nhiều lần đến các đảo chìm, đảo nổi của huyện đảo Trường Sa nên nhiều cán bộ công tác lâu năm tại các đảo nhận ra. Vì tình yêu biển đảo, từ nhiều năm nay, cô Hoa đã trích phần lớn lương hưu của mình và vận động xã hội hóa để gửi quà tới các cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo. Cũng trong chuyến đi, tôi gặp nhiều đồng nghiệp – đồng hương Nam Định công tác ở các cơ quan báo chí khác nhau nhưng luôn đau đáu về quê hương như các nhà báo: Vũ Thành – Báo Nhân Dân; Mạnh Hùng – Báo Khánh Hòa; Trần Văn Hiền, Quốc Cường – Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk… Một trong những ấn tượng và tự hào của tôi khi đặt chân đến Trường Sa là những đóng góp của lớp lớp người con Nam Định trong suốt quá trình xây dựng đảo, tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong chuyến công tác lần này có Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn Công tác số 2 là người con quê hương Nam Định đã nhiều năm gắn bó với Trường Sa. Khi biết có phóng viên Báo Nam Định đi cùng đoàn, anh đã dành thời gian gặp gỡ để nắm bắt những nét khởi sắc mới của quê hương qua những trang báo. Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa dù xa quê nhiều năm nhưng giọng nói, chất hào sảng “ăn sóng, nói gió” của người Hải Hậu vẫn vẹn nguyên. Trước khi rời đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Thế Nhương có gửi gắm tôi lá cờ Tổ quốc được treo trên đảo Trường Sa cùng bức thư tay ngắn gọn, đầy xúc động gửi về quê nhà: “… Lá cờ Tổ quốc đã được treo trên cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa từ ngày 5-10-2022 đến ngày 15-12-2022 thắm đượm nắng gió Trường Sa cũng như thể hiện sức mạnh, ý chí kiên cường của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Lá cờ này là món quà tôi mong muốn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà luôn vững chắc niềm tin vào con em quê hương đang công tác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…”. Sau đó, ngày 9-2-2023, lãnh đạo huyện Hải Hậu đã tiếp nhận lá cờ của Thượng tá Phạm Thế Nhương gửi gắm với sự chứng kiến của lãnh đạo Báo Nam Định.
Hải trình kéo dài gần 20 ngày đến với Trường Sa đã đọng lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc đan xen. Tôi và các đồng nghiệp cảm thấy may mắn khi được trải nghiệm để tận thấy một Trường Sa thiêng liêng, can trường nơi đầu sóng, và hy vọng sẽ có dịp được tiếp tục đến với nơi đảo xa, những cột mốc trên biển để truyền tải những hình ảnh, câu chuyện về cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vững tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Viết Dư