Người dân thất vọng
Tại buổi Họp báo thường kỳ chiều 29.3 diễn ra tại Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí chia sẻ, do biến động CPI chưa đến 20% cũng như chờ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính nói hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Sau ý kiến này, dư luận xôn xao và tỏ rõ sự thất vọng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Vũ Minh (38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ bản thân khá thất vọng. Sau nhiều thông tin cho thấy, Bộ Tài chính đã thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời, lạc hậu nhưng đến nay chỉ vì mức trượt giá “chưa đạt đến đúng mức theo Luật, Bộ Tài chính đã không sửa” – anh Minh nói.
Trước đó, anh Minh từng chia sẻ tới Báo Lao Động câu chuyện 17 năm đi làm, lần đầu tiên, anh Minh có thu nhập không bù nổi chi.
Trước gánh nặng tài chính, anh Minh hi vọng chính sách thuế thu nhập cá nhân sớm được sửa đổi để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, sau thông tin tại buổi họp báo, hi vọng của anh Minh cũng hoá thất vọng.
Giống anh Minh, anh Hoàng Quốc Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nếu Bộ Tài chính chờ đến 2025 mới báo cáo, tức là 2026 mức giảm trừ gia cảnh mới được thay đổi.
“Tôi nghe tin mà thấy thất vọng. Đợi đến năm 2025 mới điều chỉnh thì nó lại lạc hậu so với thời điểm năm 2025. Điều này tương tự như câu chuyện thay đổi mức giảm trừ gia cảnh năm 2019” – anh Quốc Anh chia sẻ.
Nói về mức sống, anh Phạm Văn Thanh (Hà Nam) cho biết, gia đình anh một tháng chi tiêu đến 13-14 triệu đồng.
“Đây là mức sống của vợ và 2 con nhỏ của tôi ở quê. Tôi hiện công tác trong ngành xây dựng tại một công ty tư nhân trên Hà Nội. Thu nhập của tôi từ thời điểm đại dịch COVID-19 đã giảm sút rất nhiều, nên hiện tại tôi vẫn thuê nhà trọ trên thành phố” – anh Thanh nói.
Chồng thuê nhà trên thành phố, chi tiêu sinh hoạt gồm ăn uống, điện nước… còn vợ ở quê cũng phải chi tiêu các đầu mục như trên cộng thêm tiền học cho hai con nhỏ đang học cấp 1, cấp 2. Anh Thanh thống kê mức chi tiêu của hai vợ chồng có tháng lên đến 20 triệu đồng.
“Thậm chí, cao điểm những mùa cưới như đầu năm nay, vợ chồng tôi chi tiêu 30-40 triệu đồng/tháng là điều hiển nhiên” – anh Thanh nói, đồng thời thắc mắc tại sao Bộ Tài chính lại quyết không giảm mức giảm trừ gia cảnh.
Lý do Bộ Tài chính chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Nói về lý do tại buổi họp báo, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí – chia sẻ: Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Ông Tuấn cho hay, từ năm 2009, khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính luôn chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội, UBTV QH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tế.
“Qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 (thời điểm điều chỉnh gần nhất mức giảm trừ gia cảnh) đến nay, chỉ số này chưa biến động đến mức 20%. Nên thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số CPI để chủ động đề xuất theo quy định” – ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, liên quan đến việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế TNCN, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính được Chính phủ giao rà soát tổng thể các Luật thuế để báo cáo Quốc hội sửa đổi phù hợp.
“Trong năm 2024, Bộ Tài chính tập trung sửa đổi 3 luật thuế (Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt). Còn đối với Luật TNCN, lộ trình sửa đổi là năm 2025 theo đúng lộ trình mà Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Tuấn, các nội dung sửa đổi tổng thể bao gồm quy định thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cấu trúc kết cấu của biểu thuế, các vấn đề liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp
Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 vào sáng 29.11.2023, trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, đã có kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chỉ số giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam so với lương cơ sở đang cao hơn so với mức bình quân chung của thế giới là 2,4 lần. Thực tế, ngưỡng chịu thuế bình quân chung ở nước ngoài chỉ tính từ 0,5-1 lần so với lương cơ sở.
“Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, trong khi lương bình quân là 4,6 triệu đồng. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở là cao” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Tuy nhiên, so sánh với mức sống đô thị của người dân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp. Vì vậy, ông cho biết đã đề xuất đưa vào chương trình sửa luật, sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh lên.