- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung mọi nguồn lực cho Thường Xuân thoát nghèo
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương giải quyết hồ sơ các trường hợp “người thật, việc thật”
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu người có công viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP Huế
Làm việc với Đoàn công tác có Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các đồng chí trong Ban Cán sự đảng và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH.
Chính sách xã hội chuyển từ an sinh sang phúc lợi xã hội
Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi trình bày tóm tắt các nội dung chính của dự thảo báo cáo tổng kết chuyên đề 4, nhóm 3: Việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề xã hội: An sinh xã hội, quan hệ lao động, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, mâu thuẫn xã hội hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, quan điểm của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội là một quá trình cập nhật, bổ sung và phát triển chính sách xã hội. Trải qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII, quan điểm về chính sách xã hội dần được hoàn thiện trở thành một hệ thống quan điểm về chính sách xã hội trong thời kỳ đổi mới. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, đất nước ta đã phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm…
Việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội đã góp phần đem lại niềm tin và sự hài lòng của Nhân dân, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Chỉ số phát triển con người có sự cải thiện vượt bậc, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao (Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2021 là 0,703; cải thiện thứ hạng từ vị trí 127/187 năm 2012 lên vị trí 115/191 năm 2021 trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc )
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, qua 40 năm đổi mới, Đảng có những bước thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề xã hội và chính sách xã hội. Đó là kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Chính sách xã hội từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả chung của xã hội.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách xã hội vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thị trường lao động chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và việc làm thấp. Tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn hẹp, mức chuẩn trợ cấp thấp. Chất lượng dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, chưa quản lý theo trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo còn lớn. Chính sách xã hội thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đến nay các chính sách xã hội của chúng ta đã chuyển từ lo cho một bộ phận người yếu thế ở mức tối thiểu sang nâng cao về chất lượng. Nếu như trước đây chỉ một bộ phận người yếu thế được thụ hưởng thì nay cả những người trung lưu, tất cả tầng lớp nhân dân đều được thụ hưởng các thành quả của xã hội. Trước đây an sinh xã hội do nhà nước lo cả, nay phải chuyển một bước căn bản sang chính sách xã hội, một số chính sách nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng chính sách.
Vấn đề xã hội và phát triển kinh tế không thể tách rời
Để đạt được mục tiêu đến 2030: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, bao trùm, toàn diện, bền vững, hiện đại, thích ứng; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân bảo đảm cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng tốt cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển việc làm bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân phát huy tiềm năng, phát triển toàn diện và có thu nhập trung bình cao so với người dân các nước trên thế giới; quản lý phát triển xã hội hiệu quả, nghiêm minh, đi đôi với bảo đảm quyền con người, an ninh con người, an sinh xã hội”…và tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển xã hội hiện đại, bền vững góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tiềm năng, thế mạnh đóng góp cho phát triển xã hội hài hòa; người dân được đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, có thu nhập cao và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong đất nước hùng cường, thịnh vượng”.
Theo Bộ trưởng, để đạt được các mục tiêu trên, một số định hướng giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong giai đoạn mới. xây dựng và thực hiện chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm và bền vững dựa trên quyền con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động.
Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội linh hoạt, hiệu quả. Nhà nước có chiến lược huy động hợp lý nguồn lực tài chính từ xã hội, bên cạnh nguồn lực của nhà nước là chủ đạo để thực hiện chính sách xã hội và phúc lợi xã hội; tăng cường xã hội hóa và hợp tác công tư trong thực hiện chính sách xã hội. Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá và đa dạng hóa phương thức giáo dục, đào tạo…; Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ… Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các ngành, nghề trong xã hội. Giải quyết việc làm bền vững cho người lao động…
Đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phân tích thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận theo tư tưởng, quan điểm, mục tiêu của Đảng về mô hình phát triển, thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó xác định những vấn đề ưu tiên giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới.
Nhấn mạnh yêu cầu không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, rút ra bài học kinh nghiệm trong khắc phục, điều tiết mặt trái của kinh tế thị trường bằng các công cụ, chính sách xã hội rõ ràng, cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH làm rõ hơn nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tham khảo kinh nghiệm vận hành mô hình đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, sự tham gia của tư nhân.