Sáng 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Theo danh sách, có 99 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng. Một trong những nội dung được các đại biểu, cử tri quan tâm là vấn đề bảo hiểm xã hội.
Số chậm, trốn đóng BHXH hơn 3.000 tỷ đồng
Đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy lớn, đặc biệt hơn 206.400 lao động bị treo quyền lợi, vậy nguyên nhân tình trạng trên và biện pháp khắc phục là gì?
Bên cạnh đó, bà Thuý cũng chất vấn về việc dư luận rất bức xúc trước việc 4.240 chủ hộ bị thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian dài. Quan điểm Bộ trưởng thế nào và sẽ xử lý ra sao?
Trả lời, về hướng xử lý quyền lợi cho hơn 206.400 lao động bị trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết theo hướng “thu đến đâu tính đến đó”. Với những người chuyển doanh nghiệp thì tạo điều kiện chốt sổ để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ trưởng, biện pháp căn cơ là phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội sớm trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 cuối năm 2023. Dự thảo đã bổ sung làm rõ hành vi chậm, trốn đóng vì hành vi trốn đóng trước đây được đưa vào Bộ luật Hình sự nhưng chưa xác định rõ. Vì vậy, Tp.HCM có 84 đơn thư, hồ sơ khởi kiện nhưng chưa xử lý được vụ nào.
“Cần áp dụng chế tài mạnh hơn với hành vi này như ngừng hóa đơn, cấm xuất cảnh bởi các biện pháp như hiện nay không có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Nói về việc chủ hộ kinh doanh cá thể phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, giờ lại bị “treo” lương hưu, Bộ trưởng cho biết, trong báo cáo của Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai tỉ lệ không nhỏ. Đây không phải đối tượng quy định đóng bảo hiểm bắt buộc.
“Việc thu sai diễn ra từ năm 2003 đến 2016. Chúng tôi đã phát hiện, chấn chỉnh cơ quan bảo hiểm xã hội. Vừa qua, chúng tôi kết thúc 8 doàn kiểm tra về vấn đề này, và sửa Luật Bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng nói.
Đây nội dung chưa quy định trong quy định luật hiện hành, vì vậy cần đánh giá cụ thể. Tuy nhiên quan điểm của Bộ trưởng, chúng ta đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai xin lỗi, xử lý theo quy định.
“Chúng tôi đề xuất chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp không muốn, không có nhu cầu sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trường hợp người lao động đồng ý trả lại quyền lợi, thì phải tính lãi bằng quỹ tăng trưởng hiện nay. Quan điểm cá nhân tôi đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, khuyên khích điều chỉnh chính sách chuyển sang bắt buộc đảm bảo về già có lương hưu, cuộc sống ổn định”, Bộ trưởng trả lời đại biểu.
Đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An) nêu: Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp thu hồi các doanh nghiệp trốn đóng, tuyên bố phá sản khi nợ phải tính lãi hết năm 2022 hơn 8.560 tỷ đồng?
Với câu hỏi này, Bộ trưởng cho hay, đến nay số chậm, trốn đóng thực tế còn khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2018, tỉ lệ chậm đóng 0,6% nhưng nay đã giảm xuống 0,29%. Để tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng kéo dài chủ yếu do công tác kiểm tra, thu chi của cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn.
“Đáng lẽ nợ một tháng là phải thanh kiểm tra để chấn chỉnh thì để tới 3 tháng. Nhưng doanh nghiệp chậm nộp không sợ, có thể bị phạt lãi, trốn đóng mới sợ. Thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan liên ngành sẽ chấn chỉnh việc này”, ông Dung nhấn mạnh.
Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ người lao động
Cũng liên quan đến bảo hiểm, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) hỏi, trong những năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
“Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên?”, ông Dương chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, thời gian qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, nhất là cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Ghi nhận ý kiến đại biểu, song Bộ trưởng cho rằng việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.
“Việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này”, ông Dung nói và cho biết khi lập Quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.