Ngày 24.1.1959, Tổng Tư lệnh ban hành nghị định thành lập Cục Không quân trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, trên cơ sở hợp nhất các tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu sân bay và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Năm 1960, đoàn học viên phi công tiêm kích đầu tiên của Việt Nam hoàn thành chương trình huấn luyện bay Mig-15 ở Trung Quốc. Sau đó, 31 học viên của đoàn được huấn luyện chuyển loại máy bay tiêm kích Mig-17.
Ngày 22.10.1963, Quân chủng Phòng không – Không quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân, gồm 3 binh chủng: Không quân, Pháo phòng không và Ra đa.
Ngày 3.21964, tại căn cứ không quân Mông Tự, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Trung đoàn Không quân 921 – trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 6.8.1964, Trung đoàn Không quân 921 được lệnh cơ động lực lượng về sân bay Nội Bài. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện là người dẫn biên đội đầu tiên hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.
Ngày 3.4.1965, biên đội Mig -17 của Trung đoàn Không quân 921 (Sao Đỏ) xuất kích trận đầu bắn rơi 2 máy bay F-8 của Không quân Mỹ trên khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Ngày 3.4.1965, trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam.
Ngày 16.5.1977, Quân chủng Phòng không – Không quân được tách thành 2 quân chủng: Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Từ 1977, cả 2 quân chủng đã cùng các đơn vị đánh bại 2 cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế.
Ngày 3.3.1999, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không – Không quân. Ngày 1.7.1999, Quân chủng Phòng không – Không quân chính thức đi vào hoạt động.
Lực lượng không quân tiêm kích ban đầu được trang bị máy bay Mig-17. Đến cuối 1965, được bổ sung thêm Mig-21 từ Liên Xô (cũ) có tính năng kỹ thuật và trang bị vũ khí hiện đại hơn, nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Không quân 921 và Trung đoàn Không quân 923 (thành lập tháng 8.1965).
Cuối 1968, Trung Quốc viện trợ một số máy bay MiG-19 cho ta và được biên chế vào trung đoàn không quân tiêm kích thứ ba – Trung đoàn 925 thuộc Sư đoàn 371 (hiện nay, Trung đoàn 925 trực thuộc Sư đoàn Không quân 372).
Sau ngày thống nhất, Bộ Quốc phòng thành lập thêm Trung đoàn Không quân tiêm kích 935 sử dụng máy bay Mig-21 và F-5 và Trung đoàn 937 sử dụng máy bay cường kích A-37 (thu hồi từ VNCH).
Từ đầu những năm 80, máy bay tiêm kích Su-22 đã có mặt tại Việt Nam, bắt đầu thay thế các loại máy bay cũ. Từ tháng 4 – 12.1989, Không quân Việt Nam tổ chức tiếp nhận, lắp ráp và bay thử toàn bộ 32 máy bay tiêm kích bom Su-22M4 và 4 máy bay huấn luyện USu-22M4.
Đặc biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, ngày 7.11.1987, một phi đội Su-22M của Trung đoàn 923 đã cơ động từ Thanh Hóa vào Phan Rang để thực hiện chương trình huấn luyện bay biển xa.
Và để thực hiện nhiệm vụ bay bảo vệ Trường Sa, những phi công giỏi nhất của Trung đoàn 923 đã được chọn. 8 giờ sáng 10.3.1988, phi đội trưởng cơ động Vũ Xuân Cương và phi công Liên Xô Grigoriev điều khiển chiếc SU-22M số hiệu 8502 lần đầu tiên bay tuần tra ra tới quần đảo Trường Sa.
Ngày 25.4.1995, Trung đoàn Không quân 937 (Sư đoàn Không quân 370) tiếp nhận 6 máy bay tiêm kích Su-27 đầu tiên của Không quân Việt Nam.
Ngày 26.6.1995, trung tướng Phạm Thanh Ngân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân thành lập Phi đội 3 sử dụng máy bay tiêm kích Su-27, làm nhiệm vụ xung kích trên hướng phòng thủ chiến lược của đất nước.
Ngày 4.8.1995, chuyến bay đầu tiên của Su-27 trên bầu trời Việt Nam, do phi công Võ Văn Tuấn (sau là Thượng tướng – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) và phi công Nguyễn Văn Thận thực hiện trên máy bay số hiệu 8521.
Sáng 14.9.1997, biên đội gồm Trung đoàn trưởng 937 Võ Văn Tuấn và phi công Đỗ Văn Đức triển khai máy bay Su-27 tuần tiễu từ Phan Rang ra phía bắc quần đảo Trường Sa. Chuyến bay đánh dấu bước chuyển về chất của lực lượng không quân chiến đấu, khẳng định khả năng làm chủ bầu trời trên biển xa.
Gần 10 năm sử dụng hỗn hợp Su-22M4, Su-27 canh giữ Trường Sa, tháng 11.2004, toàn bộ máy bay Su-27 và lực lượng phi công, cán bộ nhân viên hàng không và phương tiện kỹ thuật bảo đảm Su-27 của Trung đoàn 937 được điều về Trung đoàn 935 (cùng Sư đoàn 370, đóng quân tại sân bay Biên Hòa).
Đầu năm 2004, máy bay Su-30MK được đưa về Việt Nam. Ngày 19.8.2004, trung tướng Nguyễn Văn Thân (Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân) ký quyết định về việc tổ chức, tiếp nhận, lắp ráp, bay thử, nghiệm thu máy bay Su-30MK tại Sư đoàn 370. Trung đoàn 935 được giao nhiệm vụ tiếp nhận và đưa máy bay Su-30Mk vào huấn luyện – trực ban chiến đấu.
Hiện tại, lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam đang làm chủ nhiều loại máy bay (Su-30MK2, Su-27, Su-22M4…) để đáp ứng với yêu cầu tác chiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc.
Một số hình ảnh về Không quân tiêm kích Việt Nam
Nguồn: https://thanhnien.vn/khong-quan-tiem-kich-tu-so-khai-den-lam-chu-bau-troi-bien-xa-185241202185528825.htm