Niger đang chứng kiến một số động thái mang tính tích cực từ chính quyền quân sự.
Thủ tướng Niger do chính quyền quân sự bổ nhiệm, ông Ali Mahaman Lamine Zeine, hy vọng nước này sớm đạt thỏa thuận với ECOWAS. (Nguồn: AFP) |
Ngày 4/9, hãng thông tấn chính thức ANP (Niger) đưa tin, nước này đã mở lại không phận, gần một tháng sau khi áp đặt lệnh cấm bay hồi tháng 7.
Một người phát ngôn Bộ Giao thông Niger cho biết: “Không phận của nước Cộng hòa Niger đã mở lại đối với toàn bộ các chuyến bay thương mại nội địa và quốc tế”.
Tuy nhiên, không phận Niger vẫn đóng với tất cả các chuyến bay quân sự đang hoạt động và những chuyến bay khác cần có sự cho phép của các cơ quan hữu quan.
Trước đó, sau cuộc đảo chính ngày 26/7, các lãnh đạo của lực lượng đảo chính đã đóng không phận Niger trước khi tạm thời mở lại vào ngày 2/8. Tuy nhiên, 4 ngày sau đó, quyết định này đã bị đạo ngược sau khi các nước trong khu vực đe dọa can thiệp quân sự để khôi phục chế độ dân sự.
Cùng ngày 4/9, Thủ tướng Niger do chính quyền quân sự bổ nhiệm Ali Mahaman Lamine Zeine cho biết ông nhìn thấy hy vọng về một thỏa thuận với khối Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Phát biểu ở thủ đô Niamey, ông Zeine cho biết: “Chúng tôi vẫn không ngừng và đang tiếp tục liên lạc với ECOWAS. Chúng tôi rất hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong những ngày tới”.
Trước đó, ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Niger sau khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ. Tổ chức khu vực này cũng sẵn sàng đe dọa can thiệp quân sự nếu tiến trình đàm phán không khôi phục được chế độ dân sự.
Cho biết “các cuộc liên lạc đang được tiến hành sẽ cho phép lực lượng Pháp rút quân nhanh chóng”, song ông Zeine cũng khẳng định Niger mong muốn “duy trì hợp tác với một quốc gia mà chúng tôi đã chia sẻ nhiều điều”.
Căng thẳng giữa Niger và Pháp, cường quốc thuộc địa cũ và là đồng minh của nước này trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy thánh chiến, đã gia tăng sau cuộc đảo chính.
Paris đứng về phía nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ, từ chối thừa nhận phe đảo chính, đồng thời phớt lờ các thông báo hủy bỏ các thỏa thuận quân sự cũng như đe dọa trục xuất đại sứ từ chính quyền quân sự.
Hiện Pháp có khoảng 1.500 binh sĩ tại quốc gia vùng Sahel này, nhiều người trong số đó được triển khai tại căn cứ không quân gần thủ đô Niamey.
Ngay sau khi đảo chính diễn ra, hàng chục nghìn người đã tập hợp ngoài căn cứ vào cuối tuần để yêu cầu họ rời đi, đáp lại lời kêu gọi của liên minh dân sự ủng hộ đảo chính.