Bất ngờ, đó là bánh đậu xanh – món tráng miệng truyền thống của Việt Nam có nguồn gốc từ tỉnh Hải Dương. Bánh được làm từ sự kết hợp của đậu xanh, dầu thực vật hoặc mỡ lợn, đường và hương liệu để tạo ra một chiếc bánh có độ đặc giống như kẹo mềm và mịn. Người ta tin rằng chiếc bánh này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1920, và kể từ đó, sự kết hợp đơn giản trên đã trở thành một món ngọt được yêu thích ở địa phương và trở nên nổi tiếng khắp cả nước.
Trước đó, vào giữa tháng 3, TasteAtlas công bố danh sách 45 món ăn tệ nhất Việt Nam và đứng đầu danh sách là bánh đậu xanh. Vị trí thứ hai là tiết canh và tiếp theo là những món phổ biến như bánh trôi, thịt đông, bún đậu mắm tôm, cháo lòng, bún mắm…, thậm chí có cả bánh chưng, bánh tét, bánh giò.
Xếp hạng 100 món tệ nhất của của TasteAtlas gây nhiều phản ứng, nhất là tại Thái Lan, khi món ăn được yêu thích của người dân là cà ri cá bị xếp số 1.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho rằng, bảng xếp hạng của TasteAtlas về kaeng tai pla, một món cà ri nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan được làm từ ruột cá, là “Món ăn bị đánh giá tệ nhất thế giới” chỉ thể hiện sở thích ăn uống của một số người, theo Bangkok Post.
Ông nói hôm thứ năm ngày 4.4: “Một số người có thể đưa ra những nhận xét tiêu cực về một số món ăn Thái nhất định, nhưng nhiều món ăn Thái khác đồng thời được coi là một trong những món ăn ngon nhất thế giới”.
Ông Srettha giải thích không phải ai cũng thích vị cay của kaeng tai pla. Tuy nhiên, hương vị mạnh như vậy chính là điều khiến món ăn này trở nên độc đáo và được nhiều người ưa chuộng, đồng thời nói thêm đó là một trong những món ăn yêu thích của bản thân ông.
Món kaeng tai pla, đặc trưng bởi độ đặc và vị cay, được làm từ ruột cá muối, mắm tôm, hải sản và nhiều loại gia vị khác nhau.
Món ăn này bị liệt vào danh sách tệ nhất trên trang đánh giá của TasteAtlas, công bố ngày 16.3, dựa trên khảo sát 301.750 người.
Kết quả trên đã khiến cư dân mạng Thái Lan bối rối vì món ăn được nhiều người dân địa phương yêu thích, do đó, hashtag thịnh hành gần đây là “Save Kaeng Tai Pla” đã xuất hiện trên mạng xã hội ở đất nước chùa Vàng.