Thành công về kinh tế của nước này được phản ánh trong GDP bình quân đầu người.
Luxembourg có diện tích chỉ 2.586 km2, nhỏ hơn thành phố Hà Nội với diện tích hơn 3.300 km2. Mặc dù là một trong những quốc gia nhỏ nhất Liên minh châu Âu (EU), quốc gia này nổi bật vì thu nhập cao nhất thế giới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. GDP bình quân đầu người có nghĩa là tổng thu nhập (GDP thực tế hoặc danh nghĩa) của một quốc gia chia cho tổng dân số của quốc gia đó.
Luxembourg có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Điều này có nghĩa là người dân ở Luxembourg trung bình kiếm được rất nhiều tiền. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được Visualcapitalist trích dẫn vào tháng 10/2024, con số này hiện ở mức hơn 144.000 USD ( hơn 3,6 tỷ VNĐ).
Mặc dù các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Đức thường thống trị bảng xếp hạng kinh tế khác, nhưng chỉ có Mỹ là nền kinh tế duy nhất nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu về GDP bình quân đầu người.
Vào đầu thế kỷ 19, khoảng 80% dân số Luxembourg làm nghề nông. Nhưng sau đó, ngành công nghiệp sắt thép đã mang đến bước ngoặt cho đất nước. Kể từ sau khi phát hiện ra minette – một loại quặng sắt cấp thấp, ngành công nghiệp thép Luxembourg bắt đầu bùng nổ. Các nhà máy thép liên tục được mở rộng và xây mới. Ngành công nghiệp thép của nước này đạt đến đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20 với hơn 50.000 lao động.
Tuy nhiên, ngành thép ở Luxembourg bắt đầu suy giảm vào nửa sau thế kỷ 20, vì sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác trên thế giới và chi phí năng lượng ngày càng tăng. Lò cao cuối cùng đóng cửa vào năm 1997. Ngành công nghiệp này trải qua quá trình tái cấu trúc và hiện tập trung vào sản xuất các sản phẩm thép có giá trị cao.
Hiện tại, quốc gia nhỏ bé với dân số 669.000 người ở Tây Âu này được biết đến với ngành tài chính mạnh, chiếm 25% GDP. Luxembourg tự hào có 16.777 quỹ đầu tư ấn tượng, bao gồm nhiều lĩnh vực từ vốn đầu tư mạo hiểm đến quản lý tài sản và quỹ đầu cơ. Tổng cộng các quỹ này quản lý 4,5 nghìn tỷ euro. Điều này chứng minh vị thế của Luxembourg như một trung tâm cho các hoạt động tài chính và đầu tư.
Thông qua các khoản đầu tư này, Luxembourg đặt mục tiêu tăng cường hiệu quả kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và duy trì vị thế là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Quốc gia này còn nổi tiếng là “thiên đường thuế” với mức thuế doanh nghiệp thấp và không có thuế lãi vốn. Điều này khiến Luxembourg trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tỷ phú và doanh nghiệp. Người giàu có thể không sống ở Luxembourg, nhưng tiền của họ chắc chắn ở đây. Luxembourg có hơn 4.000 tỷ USD tài sản được quản lý.
Luxembourg cũng trở thành nơi đặt văn phòng của nhiều công ty lớn, bao gồm trụ sở châu Âu của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon, trụ sở chính của công ty bánh kẹo Ferrero. Quốc gia này luôn tích cực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp. Chính phủ và các tổ chức khác nhau tạo điều kiện để đảm bảo các doanh nhân nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển các công ty khởi nghiệp của mình và mở rộng ra toàn cầu.
Tổng hợp: IMF, Visualcapitalist
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khong-phai-my-hay-trung-quoc-nguoi-dan-o-quoc-gia-be-hat-tieu-nay-moi-la-nhung-nguoi-giau-nhat-the-gioi-thu-nhap-binh-quan-hon-36-ty-dong-nam-172241227071411447.htm