Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng ta phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa, tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), Đảng ta xác định phải về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách để chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị cùng với sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, Bình Thuận đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong những thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của công tác xây dựng Đảng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong quá trình triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó nội dung, phương thức lãnh đạo đã được các cấp ủy cơ sở tập trung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác, đồng thời tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở; đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cùng với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, các cấp ủy cơ sở còn bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc; thực hiện tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; nhiều cấp ủy đã ban hành hướng dẫn nội dung sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tồn tại những vấn đề cần quan tâm, đó là: năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn lúng túng, hạn chế, tỷ lệ tổ chức đảng, tỷ lệ đảng viên rất thấp so với tổng số lao động trong doanh nghiệp tư nhân. Công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn nhiều khó khăn. Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được coi trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Kết nạp đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng chất lượng, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức; việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút, còn xảy ra tình trạng vi phạm bị xử lý kỷ luật…
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn nhìn nhận, đánh giá sát thực trạng từ kết quả cho đến những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời để thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng phải đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo để bảo đảm vai trò hạt nhân và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng. Lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên trực tiếp và cấp ủy viên được phân công phụ trách. Trên cơ sở đó, cấp ủy cấp trên kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là đối với các tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ. Thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu; đồng thời phê bình, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đối với công tác đảng viên, phải đánh giá đúng thực trạng, xây dựng kế hoạch phát triển số lượng đảng viên với mức tăng hợp lý, trên cơ sở coi trọng tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống, động cơ của người xin vào Đảng phù hợp với thực tế của từng địa phương, ngành, lĩnh vực… Trong mọi công việc của Đảng phải luôn xác định rõ, nhân dân luôn là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta.