Bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nêu quan điểm tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 10 với chủ đề “An toàn thực phẩm – Sức khỏe cộng đồng” do Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức ngày 6-10.
Bà con không nên dễ dãi
Trả lời câu hỏi của cử tri về việc quản lý an toàn thực phẩm được kinh doanh qua mạng, bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận dù rất nỗ lực nhưng vẫn đang rất đau đầu vì hoạt động kinh doanh này thường khó kiểm soát, và nền pháp lý chúng ta đang có là chưa đủ để quản lý tốt.
Theo bà Lan, mua trực tiếp có hóa đơn nhưng đi đòi quyền lợi khi gặp vấn đề còn không dễ, trong khi mua hàng qua mạng chỉ biết nhau, xem hàng qua màn hình, tâm lý người mua hàng xác định “5 ăn 5 thua” nên càng khó khăn.
“Người dân nên mạnh dạn phản ánh khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm. Bà con không nên dễ dãi bỏ qua vì như vậy là tiếp tay cho tổ chức, cá nhân kinh doanh bất chấp vì lợi nhuận, đặc biệt kinh doanh qua mạng”, bà nói.
Trong khi đó đối với khâu quản lý đơn vị cung cấp suất ăn, đại diện Sở An toàn thực phẩm cho biết TP có 2.530 cơ sở cung cấp suất ăn, trong đó 2.403 bếp ăn tập thể. Tuy có lượng lớn cơ sở nhưng đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra, tập huấn về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các đơn vị.
Tại chương trình, cử tri Trần Quang Tuấn (quận 1) hỏi: “Khi phát hiện thực phẩm bẩn thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện như thế nào?”.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trả lời: Ngay khi phát hiện thực phẩm bẩn, việc đầu tiên và quan trọng nhất là bà con cử tri cần phản ánh ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.
Theo ông Tú, việc phản ánh kịp thời không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho mình và gia đình, mà còn giúp cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sản phẩm bẩn lưu hành.
Song song đó người dân có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định.
Tại chương trình, nhiều cử tri tỏ ra bất an và đặt câu hỏi về việc quản lý an toàn thực phẩm ở chợ, đặc biệt chợ tự phát.
Trả lời vấn đề này, đại diện các UBND huyện Hóc Môn, Bình Chánh xác nhận dù tăng thanh tra, kiểm tra, xử phạt, yêu cầu tiểu thương ký cam kết… nhưng chưa chấm dứt được tình trạng chợ tự phát, đặc biệt quanh ba chợ đầu mối.
Góc độ quản lý, bà Lan cho rằng tất cả sản phẩm vào chợ đầu mối thì Sở An toàn thực phẩm rất nỗ lực để kiểm soát, nhưng từ đó về chợ truyền thống, chợ vỉa hè… thì khó kiểm soát, nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao.
Nhiều cử tri thể hiện sự quan tâm rất lớn đến vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở các khu công nghiệp – chế xuất, trường học. Đại diện các đơn vị quản lý nhà nước cam kết tăng mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.
4 vấn đề chính cần quan tâm
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Thị Diệu Thúy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết lĩnh vực an toàn thực phẩm rất quan trọng vì tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, cộng đồng.
Theo bà Thúy, TP có Sở An toàn thực phẩm đầu tiên cả nước, điều đó một phần cho thấy sự quan tâm, quyết tâm của chính quyền TP trong việc quản lý.
Dù chúng ta xây dựng được chuỗi an toàn thực phẩm, phối hợp các tỉnh bạn để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nhưng vẫn còn đâu đó sự lo lắng về thực phẩm bẩn.
“Những yêu cầu và vấn đề mà cử tri đặt ra, TP xin ghi nhận và tiếp thu để có những chính sách hợp lý. TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mô hình cổng trường an toàn thực phẩm, phố an toàn thực phẩm, chợ an toàn thực phẩm… Chúng ta phải làm quyết liệt vấn đề này”, bà Thúy khẳng định.
Phát biểu kết luận chương trình, ông Huỳnh Thanh Nhân, phó chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng công tác quản lý an toàn thực phẩm tại TP đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đây là lĩnh vực mà chính quyền rất quan tâm.
Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP quan tâm bốn nội dung gồm: xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn và hướng dẫn xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm nhà làm thì để nhà ăn
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng nêu rõ quan điểm với thực phẩm nhà làm thì để nhà ăn hoặc chỉ biếu tặng cho người thân, người quen. Còn khi đã buôn bán thì phải tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chấp hành nghĩa vụ thuế.
“Trước đây đã có một trường hợp sản xuất bánh trung thu ‘nhà làm’ nhưng lại được đăng tải trên một tờ báo lớn với sản lượng được khoe lên đến vài trăm cái/ngày. Cơ sở này sau đó đã bị phạt 23 triệu đồng vì sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiều ‘không'”, bà Lan dẫn chứng.
Sở An toàn thực phẩm nêu đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị là 028.3930.1714.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khong-nen-de-dai-muon-an-toan-thuc-pham-dung-mua-thuc-pham-troi-noi-20241006145813275.htm