Đó là ý kiến của các chuyên gia khi tham dự Tọa đàm chính sách với chủ đề “Mua bán thuốc online – Nên hay không?” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11.
Đó là ý kiến của các chuyên gia khi tham dự Tọa đàm chính sách với chủ đề “Mua bán thuốc online – Nên hay không?” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11.
Xu hướng tất yếu của mua bán thuốc online
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia y tế, và đại diện cơ quan quản lý, nhằm thảo luận về quy định liên quan đến việc mua bán thuốc trực tuyến, một nội dung mới trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đang trình Quốc hội.
Theo các chuyên gia, việc mua bán thuốc online là xu hướng tất yếu, đặc biệt sau giai đoạn giãn cách vì đại dịch Covid-19. Tại nhiều quốc gia, hình thức này đã phổ biến từ nhiều năm trước, giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với thuốc, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Tại Việt Nam, thị trường bán thuốc online bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2017 – 2018 và hiện đã chiếm khoảng 5-8% thị phần bán thuốc, với hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Trần Thị Nhị Hà, nhấn mạnh rằng việc mua bán thuốc online đã diễn ra phổ biến, không thể áp dụng tư duy “không quản được thì cấm”.
Bà cho rằng việc này cần được đưa vào khuôn khổ pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và quản lý chất lượng thuốc.
Các đại biểu đồng tình rằng việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, với xu hướng khám chữa bệnh từ xa và sự phát triển của hệ thống kê đơn thuốc điện tử quốc gia, nên xem xét cho phép mở rộng bán lẻ thuốc kê đơn trên nền tảng thương mại điện tử. Điều này không chỉ giúp người bệnh tiếp cận thuốc thuận lợi mà còn đảm bảo tính liên thông và kiểm soát chặt chẽ thông tin đơn thuốc.
Người bệnh có thể tiết kiệm thời gian, công sức khi không cần đến trực tiếp các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý rõ ràng.
Ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, cho rằng nhu cầu mua thuốc online là rất lớn và sẽ còn tiếp tục tăng. Việc không quy định rõ ràng sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh cần có các quy định cụ thể để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Cần phân biệt rõ hình thức bán thuốc online
Một vấn đề khác được các đại biểu lưu ý là sự khác biệt giữa bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động bán thuốc tự phát qua livestream trên mạng xã hội. Việc thiếu các quy định chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng bán thuốc “chui”, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng thuốc.
Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương, hiện có nhiều chuỗi nhà thuốc lớn đã triển khai bán thuốc trực tuyến, song vẫn tồn tại những rủi ro về chất lượng thuốc khi người tiêu dùng mua từ các nguồn không rõ ràng.
Vì vậy, bà đề xuất cần có các công cụ pháp lý để phân biệt và quản lý hiệu quả giữa các nhà cung cấp uy tín và các cá nhân bán hàng tự phát trên mạng xã hội.
Các đại biểu thảo luận về việc cho phép mua thuốc online. |
Tại Tọa đàm, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều nhất trí rằng việc mua bán thuốc online là xu thế không thể đảo ngược, nhưng cần được quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch.
Việc luật hóa mua bán thuốc online, đặc biệt là các quy định về bán thuốc kê đơn, sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.
Dự thảo sửa đổi Luật Dược đang được Quốc hội xem xét chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn trên các sàn thương mại điện tử. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dự thảo quy định thuốc bán lẻ trên sàn thương mại điện tử chỉ là thuốc không kê đơn, trong khi thuốc kê đơn chỉ được phép bán buôn cho các cơ sở kinh doanh dược phẩm hợp pháp.
Điều này có nghĩa, trên sàn thương mại điện tử sẽ tồn tại hai loại hình kinh doanh: bán lẻ thuốc không kê đơn cho người tiêu dùng và bán buôn thuốc kê đơn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nhị Hà đề xuất cần có quy định cụ thể và công cụ để phân biệt rõ ràng người mua thuốc là cá nhân sử dụng hay cơ sở kinh doanh, vì việc quản lý hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Bà cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép bán thuốc kê đơn theo hình thức bán lẻ nếu áp dụng kê đơn thuốc điện tử, phù hợp với xu hướng khám chữa bệnh từ xa.
Ông Vũ Thái Hà đồng tình, cho rằng nên từng bước cho phép bán thuốc kê đơn trực tuyến, vì hiện nay luật đã quy định về khám chữa bệnh từ xa và hướng dẫn cụ thể các nhóm bệnh có thể áp dụng. Ông cho rằng việc mở rộng này cần được điều chỉnh dần dần tùy vào mức độ tuân thủ và nhận thức của người dân.
Để quản lý hiệu quả việc kinh doanh dược phẩm trên sàn thương mại điện tử và phù hợp với thực tế khám chữa bệnh hiện nay, một số ý kiến đề xuất rằng dự thảo Luật Dược không nên giới hạn cứng các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc bị hạn chế bán lẻ, chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn.
Bởi vì mỗi khi ban hành Luật, quy định sẽ áp dụng trong thời gian dài, khó thay đổi và có thể không theo kịp tình hình thực tế, dẫn đến việc không đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sẽ tiếp tục được thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội tiếp theo, nhằm hoàn thiện các quy định phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội.
Nguồn: https://baodautu.vn/mua-thuoc-online-khong-nen-cam-hay-quan-d230164.html