Bà Dương (Thâm Quyến, Trung Quốc) và chồng kinh doanh một cửa hàng nhỏ từ khi lấy nhau. Trước đó, ông bà cũng không mua bảo hiểm. Cho đến khi bước sang tuổi 50, vợ chồng bà mới nghĩ đến vấn đề nghỉ hưu. Bạn bè xung quanh đều làm trong cơ quan nhà nước nên họ không cần lo nghĩ nhiều về khoản tiền trang trải tuổi già.
Tuy nhiên, vợ chồng bà Dương lại khác. “Ngoài căn nhà đang ở, cửa hàng nhỏ trong phố, khi đó, chúng tôi hầu như không có tiền tiết kiệm”, người phụ nữ U70 chia sẻ.
Trong dịp họp lớp 30 năm ra trường, bà Dương đã có cơ hội nói chuyện với một vài người bạn không gặp trong nhiều năm. Bà được biết một số người sau khi sống ở thành phố đã chuyển về nông thôn. Mọi người đều cho rằng giá cả ở nông thôn dễ chịu hơn nhiều so với thành phố. Nhờ thế, họ chi tiêu thoải mái hơn, dư thêm nhiều tiền tiết kiệm để dưỡng già.
Bán nhà ở khu ‘đất vàng’ để chuyển về quê sinh sống
Sau 6 tháng tìm hiểu kỹ càng, gia đình bà Dương quyết định bán căn nhà ở khu ‘đất vàng’ trong thành phố. Bà cho biết do căn nhà có vị trí đắc địa nên bán được khoảng 2 triệu NDT (khoảng 6,6 tỷ đồng). “Chúng tôi không chia tiền cho bất kỳ cậu con trai nào. Vợ chồng tôi đã có kế hoạch cụ thể với khoản tiền này”, người phụ nữ U70 bộc bạch.
May mắn có nhà ở quê do bố mẹ để lại, nên vợ chồng bà Dương gửi toàn bộ số tiền bán nhà vào ngân hàng nhằm hưởng tiền lãi là 60.000 NDT/năm. Tương ứng, mỗi tháng bà sẽ có nguồn thu nhập cố định khoảng 5.000 NDT (khoảng 16 triệu đồng) để dưỡng già.
Chia sẻ thêm, người phụ nữ này cho biết cuộc sống ở nông thôn không tốn kém quá nhiều. Cộng thêm có ao, vườn nên gia đình bà Dương có thể trồng rau và chăn nuôi phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp là chính.
“Chúng tôi thường trồng một số loại rau nhưng cũng chẳng ăn hết nên thường chia cho hàng xóm. Mọi người sống có tình, có nghĩa nên cũng thường mang sang những loại rau trái mà nhà họ trồng được. Nhờ thế chúng tôi được ăn đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Tự nuôi trồng được, chi phí sinh hoạt giảm đáng kể. Nên chúng tôi cũng không tiêu hết khoản tiền lãi 5.000 NDT/tháng. Thừa ra đồng nào nên chúng tôi lại tiếp tục quay vòng gửi tiết kiệm”, bà Dương chia sẻ.
Sau 3 năm chuyển cuộc sống từ thành phố về quê, giờ đây vợ chồng bà không còn quá lo lắng về những năm tháng cuối đời. Nổi tiếng là người nấu ăn ngon trong làng, ban đầu, bà định mở một cửa hàng ăn sáng nhỏ nhưng chồng con ngăn cản do lo lắng đến vấn đề sức khoẻ.
Tuy nhiên, bà vẫn biết cách tận dụng tài năng của mình nhằm kiếm thêm thu nhập. Mỗi khi trong làng có cỗ, bà thường được mọi người thuê đến nấu. Nhờ thế, mỗi tháng, bà lại có thêm chút thu nhập để chi tiêu thoải mái hơn mà không cần lo nghĩ.
Chăm lo sức khoẻ và đời sống tinh thần
Không chỉ lo lắng về vấn đề tài chính, vợ chồng bà Dương còn chủ động rèn luyện sức khoẻ bằng việc đi bộ mỗi ngày. Luôn ý thức được việc này nên bà và ông xã gần như không mắc các bệnh mãn tính, chỉ cần đi kiểm tra định kỳ do đau xương khớp và cũng ít phải vào bệnh viện. Nhờ thế, bà tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức cho bản thân cũng các con.
Ngoài chăm sóc sức khoẻ thể chất, 2 người còn chú ý đến đời sống tinh thần. Ông bà tham gia vào các CLB người già, giao lưu đọc sách, ngâm thơ với mọi người trong làng để gia tăng trải nghiệm, mở rộng tầm nhìn của bản thân.
Do không sống cùng con cái, nhà lại chỉ có 2 người giả, ông bà Dương biết rằng sẽ có lúc phải nhờ cậy đến hàng xóm nên đã chủ động vun đắp tình làng nghĩa xóm. Bà Dương cho biết mọi người trong làng sống rất chan hoà và quan tâm nhau, hầu hết là người đã về hưu.
“Nhờ vậy nên có lần chồng tôi ốm nặng trong đêm, hàng xóm cũng là những người xuất hiện đầu tiên giúp tôi đưa ông ấy đi viện. Có đồ ăn ngon chúng tôi đều chia sẻ, nếu Tết các con chưa kịp về cũng là hàng xóm cùng nhau xem pháo hoa, đón Giao thừa”, bà Dương kể lại đầy tự hào.
Chia sẻ thêm, 2 ông bà cho rằng, không lương hưu, không dựa con cái, bà Dương và ông xã vẫn sống hạnh phúc ở những năm cuối đời.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khong-luong-huu-khong-o-cung-con-vo-chong-u70-ban-nha-6-ty-dong-song-hanh-phuc-o-nhung-nam-cuoi-doi-17224061109051489.htm