Phạt và phạt. Có quá nhiều vụ phạt ở nhiều lĩnh vực xảy ra chỉ trong ít ngày qua đã làm “nóng” thêm đời sống vốn đã bị cái nóng của thời tiết tra tấn.
Ảnh minh họa.
Liên quan đến các vụ phạt, từ ngày 14 đến ngày 25-5, UBND TP Thanh Hóa và Thanh tra Sở Y tế đã đưa ra 4 quyết định xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh trên địa bàn TP Thanh Hóa. Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt 2 công ty khai thác khoáng sản vượt diện tích cho phép. Cùng với đó, một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở TP Thanh Hóa không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn lén lút đón khách cũng bị lực lượng công an phát hiện và phạt. Trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa phẩm, Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại thị xã Nghi Sơn, phát hiện một số lượng lớn xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp nên đã xử phạt và tịch thu, tiêu hủy. Số tiền phạt các cơ sở vi phạm này lên con số hàng trăm triệu đồng.
Những vụ phạt như thế có thể nói là đã diễn ra rất nhiều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Số tiền phạt từ các vụ việc này đã bổ sung đáng kể vào nguồn thu cho ngân sách, nhưng chắc chắn là cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là không lẽ cứ phạt mãi, và xem đây như là biện pháp tình thế cuối cùng hay sao?
Đúng là việc phạt là điều không ai mong muốn cả. Những thông tin về việc phạt chúng ta đã nghe quá nhiều, đến mức nhiều người cho biết là chán không còn muốn nghe nữa. Vậy nhưng nếu không phạt thì chắc chắn sẽ còn tệ hại hơn, tình trạng vi phạm còn diễn biến phức tạp hơn.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được xem như một giải pháp đi trước nhằm định hướng, thay đổi nhận thức hành vi của các chủ thể mà pháp luật hướng tới. Cùng với đó là công tác giám sát, phát hiện để ngăn chặn từ sớm, từ xa mầm vi phạm. Thứ ba là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bằng các khung hình phạt nghiêm khắc ở mức tối đa theo quy định của pháp luật. Thế nhưng những vụ việc vi phạm vẫn cứ liên tiếp xảy ra, thậm chí có những đơn vị vừa hết thời gian đình chỉ hoạt động, ngay sau khi quay trở lại sản xuất, kinh doanh đã vi phạm, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu những biện pháp mà chúng ta dùng để ngăn chặn đã đủ sức phòng ngừa, răn đe hay chưa? Đành rằng không thể thiếu biện pháp xử phạt, nhưng xử phạt chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng, các cơ quan chức năng không mãi chạy theo để xử lý các tình huống vi phạm. Cần phải tăng cường hơn nữa, quyết liệt hơn nữa các biện pháp mang tính phòng ngừa, răn đe, thay đổi nhận thức, thì mới hy vọng có thể làm giảm bớt các vụ vi phạm dẫn đến phải phạt.
Tuệ Minh