Đủ loại máy móc, đèn ô tô, xe máy, cân định lượng, đóng gói tự động, máy uốn kim loại… từ 300 đồ án tốt nghiệp của sinh viên được trưng bày, giới thiệu tại ngày hội Triển lãm công nghệ và tuyển dụng khối ngành kỹ thuật, công nghệ của Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) ngày 26/8.
Tại đây, hơn 40 nhà tuyển dụng về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ đưa đến gần 3.600 vị trí việc làm, thực tập.
Thay cho những CV xin việc hay giới thiệu bằng lời, sinh viên chọn cách tiếp cận với doanh nghiệp bằng chính sản phẩm, sáng chế của mình. Với cách thức này, nhiều sinh viên được doanh nghiệp “chốt” hợp đồng làm việc ngay tại chỗ.
Ông Phạm Hoàng Hải – Giám đốc kỹ thuật Công ty Thiết bị và Giải pháp sạc điện EV1 – chia sẻ, công ty đã trao đổi, phỏng vấn một số ứng viên có năng lực chuyên môn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.
Nói về thị trường, ông Hải cho hay ngành khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là các ngành điện tự động hóa, cơ điện tử hiện có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Lĩnh vực này cần những tiêu chí cụ thể với ứng viên như có kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên về ngành học, giao tiếp tiếng Anh tốt, vẽ được phần mềm Autocad, lập trình được BOC, HMI…
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực khoa học công nghệ có đặc thù là không thể tuyển người qua lời nói suông, khua môi múa mép hay bằng những hứa hẹn.
Ở lĩnh vực này, nhà tuyển dụng cần nhìn thấy một cách rõ ràng khát khao, sự am hiểu, năng lực kiến thức, tay nghề của ứng viên thông qua các sản phẩm, sáng chế cụ thể.
Ông Nguyễn Hữu Khoa – Giám đốc phát triển dự án Công ty Cổ phần Năng lượng Xanh Eagle Fly Focus Solar – cho biết, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên liên tục. Nhưng có điều, các nhà tuyển dụng ngày càng “khó tính”, chấp nhận “đãi cát tìm vàng” đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức sâu và rộng.
Bên cạnh đó, ứng viên phải có các phẩm chất kỷ luật, nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc, có khát khao học tập, làm việc cá nhân hiệu quả cũng như có tinh thần làm việc nhóm.
PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM đánh giá, hiện nay xu hướng dịch chuyển các ngành công nghiệp truyền thống sang các địa phương lân cận, nơi có chi phí đất đai và các nguồn lực đầu vào rẻ hơn so với TPHCM ngày càng rõ ràng.
Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp TPHCM phải tái cơ cấu lại theo hướng hiện đại, công nghệ cao, phân khúc tạo giá trị gia tăng cao, tăng năng suất lao động. Cần nhanh chóng xây dựng được một hệ thống ngành công nghiệp lõi thay thế cho các ngành công nghiệp thâm dụng đất và lao động.
Chính điều này đặt ra nhu cầu rất lớn về nhân lực ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ chất lượng cao. Đi cùng đó, theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, thành phố cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực cao để thực hiện quá trình tái cơ cấu.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, đến năm 2025, mỗi năm TPHCM có khoảng 270.000 chỗ làm việc, trong đó 130.000 chỗ làm việc mới.
Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%.
Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng cao nhất với 35%; tiếp đó là nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, pháp luật, hành chính chiếm tỷ trọng 33%; nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.