Theo Hội Phổi Việt Nam, một đồng thuận mới nhất của 19 chuyên gia khu vực châu Á được công bố trên Journal of Thoracic Oncology (tạm dịch là Tạp chí về ung thư lồng ngực) đề xuất về quy trình chụp cắt lớp vi tính CT liều thấp (sử dụng máy tính với tia X liều thấp để tạo ra một loạt các hình ảnh), từ đó có thể phát hiện các bất thường ở phổi, bao gồm cả các khối u.
Khuyến nghị nói trên là kết quả từ thảo luận sâu rộng giữa các chuyên gia đến từ Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam, với sự tài trợ của Lung Ambition Alliance (tạm dịch Liên minh tham vọng Phổi – LAA). Các chuyên gia cũng khuyến nghị kết hợp các chương trình cai thuốc lá cùng với các chương trình tầm soát ung thư phổi.
Nhóm chuyên gia cũng lưu ý, mặc dù hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu nhưng ung thư phổi ở những người không hút thuốc cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở châu Á cao hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở châu Á có xu hướng được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với những người đang hút thuốc và người đã từng hút thuốc.
Do đó, cần hỗ trợ bệnh nhân có nguy cơ cao tiếp cận các quy trình sàng lọc bằng cách xem xét các yếu tố như di truyền và nhân khẩu học, chứ không chỉ là những người có hút thuốc.
Nên sàng lọc khi ho kéo dài không đáp ứng thuốc điều trị
PGS – TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đánh giá chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam và châu Á là phát hiện, chẩn đoán sớm, khi có thể chỉ định các phác đồ điều trị có hiệu quả cao. Phát hiện sớm ung thư phổi giúp bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi cao hơn.
Theo Bệnh viện K, khoảng 10 – 13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 – 40 năm tính từ lúc mới bắt đầu hút thuốc cho đến khi xuất hiện bệnh.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng và môi trường ô nhiễm khói thuốc có liên quan đến sự xuất hiện ung thư phổi; ô nhiễm không khí cũng là yếu tố nguy cơ.
Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp được khuyến cáo do chi phí thấp, giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính thông thường, và giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi do được phát hiện sớm.
Qua thực tế điều trị, một chuyên gia ung bướu của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), lưu ý ung thư phổi ở những bệnh nhân trẻ tuổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn và có tiên lượng xấu hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi.
Do đó, với những đối tượng có yếu tố nguy cơ như sử dụng thuốc lá thường xuyên, tiền sử gia đình có người mắc ung thư phổi, môi trường làm việc phải tiếp xúc với tia xạ, khói bụi độc hại… hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ như ho ra máu, ho kéo dài không đáp ứng với thuốc giảm ho cần đi khám sàng lọc để phát hiện bệnh sớm.