CHỈ TIÊU SƯ PHẠM LIÊN QUAN TỚI ĐẶT HÀNG ĐÀO TẠO
Như Thanh Niên phản ánh, mới đây Trường ĐH Đông Á gửi thông báo tới các thí sinh (TS) xét tuyển các ngành sư phạm về việc năm nay trường không tuyển sinh các ngành này, cho dù trong đó có những TS được thông báo là đã trúng tuyển theo phương thức xét học bạ. Theo phản ánh của TS, các em được nhà trường giải thích lý do là: “Bộ GD-ĐT đang tạm dừng tuyển sinh nhóm ngành sư phạm ở một số trường trên cả nước để lấy ý kiến xin điều chỉnh Nghị định 116 của Chính phủ (nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm – PV)”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á, cho biết mọi năm, đến kỳ xét tuyển thì Bộ GD-ĐT cấp chỉ tiêu cho trường. Năm nay, trường thực hiện đăng ký chỉ tiêu và TS đã đăng ký trên phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng do liên quan tới việc điều chỉnh Nghị định 116 của Chính phủ nên Bộ GD-ĐT đến nay vẫn chưa cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. “Tối 18.8, khi có thông tin về việc tuyển sinh 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học từ Bộ GD-ĐT, hội đồng tuyển sinh của trường đã họp bàn phương án và đã có thông báo ngay tới TS để các em chủ động”, tiến sĩ Tuấn nói. Thậm chí, tiến sĩ Tuấn còn kiến nghị các đơn vị liên quan cần thúc đẩy việc góp ý và sửa đổi Nghị định 116 để sớm ban hành và cũng là “gỡ khó” cho các trường đào tạo sư phạm.
Tuy nhiên, khi trả lời PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc nhiều trường ĐH năm nay không được giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm không liên quan gì tới việc đề nghị xem xét sửa đổi Nghị định 116. Hiện nay việc giao chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm cho các trường vẫn diễn ra bình thường; nhiều trường đã được giao chỉ tiêu. Còn một số trường không được giao chỉ tiêu (trong đó có Trường ĐH Đông Á) là do liên quan tới đặt hàng đào tạo ngành sư phạm của các địa phương. Cụ thể, do năm nay nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo sư phạm, hệ lụy kèm theo là không có nguồn tiền chi trả học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, vì thế Bộ GD-ĐT không thể giao thêm chỉ tiêu ngoài những chỉ tiêu đã được đặt hàng.
CHƯA ĐƯỢC GIAO CHỈ TIÊU MÀ THÔNG BÁO TUYỂN SINH LÀ SAI
Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, quy chế tuyển sinh quy định các cơ sở đào tạo có trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Theo Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18.1.2022 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, trình độ ĐH hình thức chính quy trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng của các địa phương và cả nước.
Theo đó, việc giao chỉ tiêu được xác định hằng năm, không có chuyện làm theo “thông lệ” để cho rằng năm trước đã được giao chỉ tiêu thì năm sau cũng sẽ được giao, hoặc năm trước được giao bao nhiêu chỉ tiêu thì năm sau cũng sẽ được giao bấy nhiêu. “Nếu có trường ĐH nào đó năm nay chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm mà trường lại thông báo với TS là có tuyển sinh, là trường đã làm sai”, bà Thủy khẳng định.
CHỈ TIÊU SƯ PHẠM ĐƯỢC GIAO THEO TỪNG NĂM
Theo Nghị định 116, UBND các tỉnh, thành rà soát, tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 31.1 hằng năm. Tuy nhiên, việc này thường không được thực hiện đúng như kế hoạch, để có con số giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, Bộ GD-ĐT phải thúc giục hoặc liên hệ trực tiếp với từng địa phương để có thông tin. Do việc giao chỉ tiêu sư phạm phụ thuộc vào đặt hàng đào tạo của các địa phương nên Bộ GD-ĐT khá bị động. Việc giao chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm cho các trường phải diễn ra theo từng đợt, với từng quyết định riêng lẻ.
Trên cơ sở những thông tin mà Bộ GD-ĐT có được, ngày 23.5, Bộ GD-ĐT đã gửi Công văn 2330 để thông báo với 16 trường ĐH, cao đẳng công lập về việc năm nay bộ không giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho 16 trường này. Trong đó có 11 trường trực thuộc tỉnh, thành không có nhu cầu đào tạo giáo viên, gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam; có 4 trường cao đẳng đã sáp nhập với cơ sở đào tạo khác gồm Hà Tây, Hà Giang, Bình Thuận và Hải Dương; Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên-Huế chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.
“Sở dĩ Bộ GD-ĐT chỉ nêu tên 16 trường này trong công văn là bởi đây là các trường công lập, có vai trò liên quan trực tiếp tới đào tạo nhân lực ngành sư phạm cho địa phương. Nếu địa phương không đặt hàng đào tạo sư phạm nghĩa là năm tới các trường này sẽ không có kinh phí hoạt động. Đây cũng là một vấn đề khiến các địa phương phải lo nghĩ nếu như không muốn đẩy các trường đến nguy cơ ngừng hoạt động, xa hơn nữa là phải giải thể”, bà Thủy giải thích.
Bà Thủy cũng cho biết thêm trong Công văn 2330 không có tên 2 trường của Thanh Hóa là Trường ĐH Hồng Đức và Trường ĐH Văn hóa – Thể thao – Du lịch Thanh Hóa, mặc dù 2 trường này mãi đến ngày 1.8 mới được giao chỉ tiêu, là bởi thời điểm ban hành công văn (ngày 23.5), tỉnh Thanh Hóa cho biết là năm nay tỉnh có đặt hàng đào tạo ngành sư phạm.
Bà Thủy nói: “Như đã phân tích, chỉ tiêu sư phạm được giao theo từng năm, vì Bộ GD-ĐT phải có nguồn đặt hàng xác thực, để đảm bảo chính sách về kinh phí dành cho đào tạo sư phạm phải được thực hiện. Cho nên, năm nào các trường cũng phải đợi chỉ tiêu thì mới được thông báo tuyển sinh sư phạm, tuyển bao nhiêu chỉ tiêu. Trường nào cũng phải làm thế, không có trường nào được phép thông báo tuyển sinh khi chưa được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu. Việc Trường ĐH Đông Á thông báo tuyển sinh các ngành sư phạm giáo dục mầm non, sư phạm tiểu học trong khi chưa được giao chỉ tiêu là việc làm sai với quy chế tuyển sinh, sai với quy định trong Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT”.
Sửa đổi một số điều Nghị định 116
Bộ GD-ĐT đã đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã bổ sung điểm mới vào nội dung quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng.
Cụ thể, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, nếu sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu thì sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, việc xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.