Không gian xanh công cộng đô thị: Tăng sao cho đủ?
Tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị bình quân toàn tỉnh hiện đạt khoảng 4,09 m2/người. Ðến năm 2025, nếu tăng thêm hơn 278 ha đất cây xanh thì mới đạt diện tích đất dành cho cây xanh sử dụng công cộng đô thị; 5 năm tiếp theo sau đó đòi hỏi phải tăng thêm 250 ha.
Bình Định hiện có 20 đô thị từ loại V trở lên, gồm: 1 đô thị loại I (Quy Nhơn), 1 đô thị loại III (An Nhơn), 2 đô thị loại IV (Hoài Nhơn và thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), 16 đô thị loại V. Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 22 đô thị; 5 năm tiếp theo thêm 21 đô thị.
Nơi đủ, nơi… eo hẹp!
Về TP Quy Nhơn đầu tư, ông Hoàng Văn Lăng (tỉnh Bình Dương) đã quyết định đưa hẳn vợ con cùng về Quy Nhơn định cư từ năm ngoái. Trong cảm nhận của ông, đô thị hóa ngày càng nhanh, nhiều thành phố trong nước hiện không chỉ thiếu mảng xanh mà đối với những mảng xanh hiện hữu cũng đang đối mặt với thực trạng phải “cạnh tranh” không gian sống cùng các công trình kiến trúc, công trình ngầm… Việc Quy Nhơn vẫn giữ được quỹ đất để phát triển cây xanh, công viên, nhất là mảng xanh ở vị trí tấc đất tấc vàng giữa lòng thành phố rất ấn tượng.
Công viên cây xanh, tuyến cây xanh dọc biển Quy Nhơn. Ảnh: M.H |
Ông Võ Duy Trinh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, cho biết: Hầu như toàn bộ các vị trí đất vàng của thành phố đều có phần dùng để làm công viên, cây xanh với tỷ lệ rất lớn, điển hình dọc tuyến Xuân Diệu, Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp… Trên 450 tuyến đường đã được phê duyệt quy hoạch chủng loại cây xanh. Diện tích cây xanh công cộng đô thị tại Quy Nhơn hiện đạt 6,03 m2/người.
Dù vậy, ông Trinh cũng cho rằng tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp; nhiều tuyến đường vẫn chưa ngầm hóa được hệ thống lưới điện nên xảy ra xung đột với cây xanh. Vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, do đô thị hóa mạnh, nhà cao tầng tăng cao nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh…
Theo Sở Xây dựng, tỷ lệ bình quân đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị toàn tỉnh khoảng 4,09 m2/người. Trong 20 đô thị hiện hữu có 8 đô thị đảm bảo tỷ lệ này theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15, từ 3,48 – 8,75 m2/người. 12 đô thị còn lại, từ đô thị bao phủ chưa đảm bảo chỉ tiêu (TX An Nhơn 3,6 m2/người, TX Hoài Nhơn 2,86 m2/người) cho đến những đô thị còn rất… eo hẹp khi chỉ đáp ứng tỷ lệ từ 0,03 – 2,77 m2/người (các thị trấn An Lão, Phù Mỹ, Bình Dương, Diêu Trì, Tuy Phước, Vân Canh và các xã An Hòa, Mỹ Chánh, Phước Lộc, Phước Hòa).
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hữu Thiện chỉ ra, nhiều đồ án quy hoạch đô thị chưa thực sự quan tâm quy hoạch một cách có chất lượng liên quan đến phát triển mảng xanh, cây xanh đô thị. Quy hoạch cây xanh còn mang hình thức tổng quan, chưa cụ thể rõ ràng. Quỹ đất dành cho công viên cây xanh trong quy hoạch đô thị thường được chọn tại khu đất ít tiềm năng khai thác sử dụng nên việc đầu tư xây dựng sau quy hoạch thường bị chậm hoặc không triển khai…
Đô thị tại huyện Tuy Phước có tỷ lệ cây xanh công cộng thấp. – Trong ảnh: Một góc đô thị thị trấn Diêu Trì. Ảnh: M.H |
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, thừa nhận cùng với nguyên nhân khách quan, thì chủ quan là việc lập các đồ án quy hoạch chi tiết điểm dân cư với chỉ tiêu cây xanh 2 m2/người chưa đồng bộ và chưa có định hướng đến quy mô tổng thể của toàn đô thị (quy định 3 m2/người); chưa kịp thời triển khai đầu tư phát triển cây xanh theo quy hoạch. Thời gian trước, huyện chưa ban hành kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh công cộng đô thị nên chưa có cơ sở để các địa phương chủ động trong việc phát triển cây xanh.
Tăng mảng xanh ở khu dân cư, khu đô thị, công viên
Ông Võ Hữu Thiện cho hay, đối chiếu với tiêu chí quy định từ nay đến năm 2025 tỉnh ta phải tăng thêm khoảng 334 ha đất cây xanh đô thị (đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị hơn 278 ha). Diện tích cần bổ sung này tập trung cho TX An Nhơn (hơn 64 ha), huyện Tuy Phước (hơn 48 ha), TX Hoài Nhơn (hơn 31 ha)… Giai đoạn 2025 – 2030 sẽ phải tiếp tục đầu tư thêm 250 ha (đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị hơn 195 ha).
Cùng với 5 đô thị loại V hiện hữu, đến năm 2030 Tuy Phước sẽ có thêm 4 đô thị loại V, với chỉ tiêu tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị đạt 4 m2/người. Giải quyết bài toán này, ông Huỳnh Nam cho hay UBND các xã, thị trấn sẽ tiến hành rà soát và lập quy hoạch chung, phân khu, chi tiết đảm bảo yêu cầu đầu tư, xây dựng nhằm phát triển cây xanh đô thị. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và những khu vực công cộng trong đô thị; cây xanh đường phố…
Trong khi đó, mục tiêu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024 của TX An Nhơn đòi hỏi gia tăng mật độ cây xanh cảnh quan, cây xanh đường phố – một trong những tiêu chí cần phải bổ sung. “TX An Nhơn xây dựng các công viên cấp đô thị bao gồm công viên lưỡng dụng bán ngập nước tại khu vực Nhơn Hưng (Bàu Ông Chất), công viên Hồ Sen tại Nhơn Hậu, xây dựng công viên trong các dự án khu dân cư, khu đô thị mới. Mặt khác, bổ sung xây dựng công viên trung tâm xã định hướng trở thành phường nội thị trước năm 2025, bổ sung công viên cây xanh đô thị tại khu vực liên hợp TDTT dự kiến đầu tư xây dựng tại phường Bình Định và Nhơn Hưng…”, ông Nguyễn Đình Chương, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX An Nhơn thông tin.
Một số đô thị đã đạt được chỉ tiêu theo quy định nhưng cũng cần đầu tư để đến năm 2030 đạt được theo chỉ tiêu nghị quyết các cấp đề ra.
Huyện Tây Sơn hiện có 1 đô thị loại V là Tây Giang và 1 đô thị loại IV là Phú Phong, tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị đạt 5,07 m2/người. Tuy nhiên, theo nghị quyết phấn đấu đến năm 2024, Tây Sơn trở thành đô thị loại IV, khi đó khu vực nội thị dự kiến có 9 xã, thị trấn. Nhưng hiện tỷ lệ cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị các địa phương trên mới đạt khoảng 3,4 m2/người, chưa đảm bảo theo yêu cầu của đô thị loại IV.
“Để đạt mục tiêu cây xanh công cộng đô thị 5 m2/người, trong công tác triển khai lập quy hoạch chi tiết các công trình, dự án, huyện sẽ thực hiện nghiêm thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ đất cây xanh, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị. Triển khai đầu tư xây dựng hệ thống công viên, cải tạo chỉnh trang, trồng mới cây xanh vỉa hè, dọc tuyến sông Côn, sông Kút, phát triển các công viên, vườn hoa quy mô lớn… Riêng năm nay, chúng tôi cải tạo công viên trung tâm huyện, đầu tư xây mới công viên khu dịch vụ đê bao sông Côn, công viên ở các khu dân cư, trồng mới cây xanh dọc tuyến đường đô thị, huyện, xã…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.
MAI HOÀNG