Dự án đầu tư quy mô
Xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ không chỉ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mà còn là vùng đất lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các tộc người thiểu số gồm 10 dân tộc anh em sinh sống: Dao, Tày, Cao Lan, Mường, Hoa, Paco, Nùng, Sán dìu, Sán chí, Kinh.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có một số dự án về du lịch đã và đang được triển khai thực hiện, nổi bật là Dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn làng văn hoá truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ” do Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư, kinh phí trên 10,6 tỷ đồng.
Các hạng mục tiêu biểu là: Xây nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; bảo tồn, tôn tạo Đình Tân Đô, bảo tồn mẫu nhà truyền thống và một số hạng mục khác.Đường dẫn vào “bản nhà sàn” đi qua những vườn chè xanh mướt mải và cánh đồng ngô bạt ngàn. Xa xa, những nếp nhà sàn lấp ló giữa những màu xanh cây cối bình yên đến lạ.
Các ngôi nhà sàn có cột được làm bằng gỗ lim nên dù gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn vững chãi, không mối mọt. Nơi đây, còn lưu giữ 67 ngôi nhà sàn, trong đó nhiều ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên bản. Nhà sàn cổ truyền có thiết kế khối thiên về hình chữ nhật nằm ngang được chia theo tỉ lệ 5/7 hoặc 6/7 với 56 cột trụ bao gồm 2 cột thông thiên thẳng từ nền nhà tới đỉnh nóc, 8 cột cái trụ giữa, 16 cột quân xung quanh và 30 cột hiên tạo vách. Đa số người dân biết nói tiếng Nùng và một số người cao tuổi biết chữ viết riêng của dân tộc Nùng, nhiều phong tục tập quán truyền thống vẫn còn được lưu giữ theo bản sắc truyền thống và thực hành trong đời sống thường ngày của đồng bào như: lễ đầy tháng con nhỏ, Lễ cưới hỏi, lễ vào nhà mới, lễ mừng sinh nhật, phong tục đón tết cổ truyền, lễ thanh minh, rằm tháng bảy, lễ hội đình Làng…
Theo ông Lê Ngọc Linh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên, việc lựa chọn bảo tồn Làng truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc của Chương trình MTQG 1719; góp phần khơi dậy, hình thành trên địa bàn các dân tộc thiểu số một mô hình khai thác, phát huy tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hoá – du lịch, điểm văn hoá du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại làng, bản ở các vùng dân tộc thiểu số.
Nhiều lễ hội với dấu ấn văn hóa sâu sắc
Đến với xóm Tân Đô, huyện Đồng Hỷ du khách có cơ hội hoà mình vào những lễ hội truyền thống vô cùng phong phú và độc đáo. Nổi bật là lễ hội Đình Tân Đô – lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng, được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng (Âm lịch). Lễ hội được nhân dân địa phương tổ chức để cảm tạ công lao của các vị thần: Cao Sơn Quý Minh Đại Vương, Đức Ông Tổng Đốc Đô Đốc Đại Thần, Đức ông Linh Vân Kỷ Sỹ đại thần…
Đồng thời đây là dịp để mọi thế hệ người trong vùng đến gặp gỡ, trao đổi, thăm viếng, tìm hiểu với nhau… kết thúc một năm lao động vất vả cực nhọc, bao nhiêu trắc trở của mỗi người, mỗi gia đình đều khép lại, mở ra một năm mới phát tài, ăn nên, làm ra và biết bao nhiêu điều may mắn hạnh phúc đang chờ ở năm mới bình an, phát triển.
“Nghi lễ Hét khoăn” – Lễ mừng sinh nhật của người Nùng thuộc loại hình tập quán xã hội, được người Nùng ở xóm Tân Đô xã Hòa Bình bảo tồn và duy trì từ nhiều đời nay được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nghi lễ là tập quán lâu đời của người Nùng, không chỉ mang lại niềm vui cho người cao tuổi, mà còn là bài học đạo đức cho thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Đối với người Nùng, đây chính là món quà quý giá nhất của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ mình, thể hiện sự kính trọng, hiếu nghĩa của họ với các bậc sinh thành.
Cùng với thời gian, nhiều nghi thức trong nghi lễ Hét Khoăn được giản lược cho phù hợp với đời sống hiện đại, song nghi lễ này vẫn được các thế hệ trong gia đình của người Nùng tổ chức thường xuyên và trao truyền cho nhau, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Trong thời đại ngày nay, Nghi lễ mừng sinh nhật của người Nùng được bảo tồn và phát huy có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ trẻ dân tộc Nùng nói riêng và nhân dân các dân tộc Việt Nam nói chung.
Nghi lễ Cấp sắc là di sản phi vật thể tiêu biểu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Với người Nùng nơi đây, chỉ có những người làm nghề thày cúng mới được Cấp sắc, trước khi được Cấp sắc, người được cấp sắc phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người.
Lễ cấp sắc thực chất là một cuộc đại diễn xướng bởi nó tập trung khá nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn như hát, khí cụ, sân khấu nhập đồng, trò diễn; sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của Lễ cấp sắc của người Nùng nói chung cũng như tại xã Hòa Bình nói riêng. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Nùng ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ đến nay vẫn duy trì một số trò chơi dân gian đặc sắc, như: Kéo co, đánh yến, đánh cù, tung còn, đi khà kheo…
Kho tàng văn hóa nghệ thuật của đồng bào Nùng tương đối phong phú và độc đáo, trong đó phải kể tới những làn điệu dân ca Nùng, làn điệu ru, làn điệu đồng dao, làn điệu then, mo, sliên, tào…, đặc biệt là sli, lượn và cỏ lảu.
Có thể thấy, dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn làng văn hoá truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ với tiêu chí bảo tồn, tôn tạo một không gian đậm chất truyền thống địa phương, lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc hứa hẹn sẽ mang đến một điểm đến văn hoá du lịch đặc sắc cho du khách, từ đó phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Nguồn: https://www.congluan.vn/lang-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-nung-thai-nguyen-khong-gian-mang-dam-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-post316108.html