Luật sớm có hiệu lực sẽ giải quyết sớm các ách tắc trong thực tiễn
Nhìn từ góc độ của địa phương, các ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Dương Khắc Mai (Đắk Nông)… đều nhất trí cho rằng, đẩy nhanh hiệu lực thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1.8 tới sẽ giúp giải quyết loạt vấn đề đang tồn tại hiện nay, khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, thực tiễn điều hành ở địa phương đang đòi hỏi ba luật này sớm đi vào cuộc sống bởi các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập.
Nhìn ở góc độ các ngành kinh tế, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chỉ rõ, các luật trên sớm có hiệu lực thi hành sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, nếu thị trường bất động sản không được khơi thông thì sẽ khiến “dòng máu” của nền kinh tế bị tắc nghẽn, để càng lâu thì sẽ càng ảnh hưởng nhiều hơn. Đặc biệt, theo đại biểu, các luật này nếu được cho phép có hiệu lực thi hành sớm hơn sẽ góp phần tháo gỡ ngay nhiều khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, qua đó tác động tích cực đến tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm, thậm chí có thể vượt kế hoạch được Quốc hội giao.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, thay đổi thời gian thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản rất quan trọng, hiện người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi và hy vọng vào điều này. Việc rút ngắn thời gian thi hành 5 tháng là vô cùng quý giá đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. “Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện những con đường cao tốc. Chúng ta luôn kỳ vọng rằng không chỉ có những “con đường cao tốc” trong xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông mà cần có những “con đường cao tốc” trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nếu không có sự bứt phá mạnh mẽ về thể chế thì chúng ta sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong bối cảnh còn tồn tại một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ sai, không dám chịu trách nhiệm, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh hoàn thiện các văn bản để đưa các luật, đặc biệt là Luật Đất đai vào cuộc sống đã thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ trách nhiệm.
Bảo đảm tiến độ và chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết
Ghi nhận sự khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng, chuẩn bị hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết trong thời gian qua, song các đại biểu cũng đề nghị những vấn đề được Ủy ban Kinh tế đưa ra tại báo cáo thẩm tra cần được quan tâm, đặc biệt là việc nhận diện, đánh giá đầy đủ những tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng lưu ý, một số quy định pháp luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng có thể sẽ gây khó khăn cho các đối tượng thực hiện, do đưa ra yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn. Trong đó, với một số yêu cầu mới cao hơn được Luật Nhà ở năm 2023 đưa ra để khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không bảo đảm yêu cầu trong đầu tư xây dựng dẫn đến tình trạng cháy, nổ xảy ra, đại biểu cho rằng, với những yêu cầu cao hơn này phải có lộ trình thực hiện phù hợp để nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị thực hiện.
Mặt khác, do những yêu cầu mới và cao hơn ở Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, nên đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị sẽ chỉ khuyến khích đối tượng chịu tác động thực hiện những điều khoản có yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn từ 1.8.2024. Hiệu lực áp dụng chế tài xử lý vẫn là từ 1.1.2025 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân thích ứng kịp.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, nội dung của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều quy định giao Chính phủ, bộ, ngành và địa phương quy định chi tiết. Từ khi các luật được ban hành, Chính phủ đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, đến ngày 18.6.2024 mới có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024 được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.
Do vậy, để bảo đảm các luật thực sự phát huy lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để bảo đảm hạn chế những tác động không mong muốn xảy ra, đặc biệt là không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu tổ chức tập huấn đồng loạt cho các địa phương; theo sát hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền…
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận dự án Luật chiều 21.6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, ngay khi Luật Đất đai năm 2024 được thông qua, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh nghị định và thông tư theo quy định. Do vậy, Bộ trưởng khẳng định, ở đây không có rút gọn quy trình, vẫn thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện rút gọn thời gian có hiệu lực thi hành của các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Cùng với đó, Tờ trình của Chính phủ cũng đã khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng. Đây là những cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm bấm nút thông qua dự án Luật này vào cuối Kỳ họp thứ Bảy.
Nhưng, với sự thận trọng cần thiết, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Chính phủ chịu trách nhiệm, khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành và hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp; rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật; nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực để có giải pháp kiểm soát, khắc phục và quy định rõ về trách nhiệm liên quan…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo, thông tin lại cho các đại biểu Quốc hội sau ngày luật được thông qua, không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển. Đồng thời, không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi và đối tượng chịu tác động môi trường, đầu tư, kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khong-de-xay-ra-khoang-trong-phap-ly-hoac-tieu-cuc-truc-loi-chinh-sach-khi-3-luat-co-hieu-luc-som-i376495/