Khi xây dựng dự thảo phân cấp quản lý, thành phố phải đối diện 23 bộ, ngành và không dễ thuyết phục các đơn vị bỏ quyền để giao về địa phương, theo lãnh đạo TP HCM.
“Thành phố xây dựng dự thảo Nghị định phân cấp phân quyền rất dày, nhưng khi cọ sát với cơ quan trung ương, chỉ cần đến cấp vụ đã bị bác và phải bỏ bớt nhiều nội dung”, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nói tại hội nghị nghiên cứu, thảo luận dự thảo nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP HCM, sáng 10/1.
Theo ông Hoan, Nghị quyết 98 tạo cho thành phố nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vướng mắc trong điều hành. Thủ tướng nhiều lần yêu cầu phân cấp, phân quyền cho thành phố mạnh mẽ hơn, nhưng thuyết phục các cơ quan, bộ ngành không dễ.
Dự thảo đề xuất phân cấp quản lý cho TP HCM lần này có 9 nội dung, gồm: đầu tư, kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch, xây dựng và tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, lao động và khoa học công nghệ.
Lãnh đạo UBND TP HCM cho biết lĩnh vực đầu tư được ủng hộ nên nhiều vấn đề được tháo gỡ, nội dung đưa vào dự thảo đa dạng. Trong khi có những phần rất nghèo nàn, thậm chí không có gì. Các nội dung không được bộ, ngành ủng hộ, thành phố sẽ báo cáo Phó thủ tướng phụ trách để Thủ tướng phân vai. “Tinh thần là cái gì khó cho doanh nghiệp, khó cho điều hành mà vướng nghị định, thông tư cần gỡ thì mình sẽ xin về cho thành phố xử lý”, ông Hoan nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nhìn nhận phân cấp, phân quyền là vấn đề rất khó. Bởi tư duy xưa nay là cơ chế kế hoạch hoá tập trung, “cấp Trung ương quyết, cấp địa phương chỉ thực hiện”. Khi chuyển sang cơ chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải đẩy mạnh trao quyền cho cấp dưới, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của chính quyền địa phương; đồng thời, đảm bảo sự quản lý thống nhất của Chính phủ.
Theo ông Tuấn, nếu chờ bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất những vấn đề phân cấp cho TP HCM thì sẽ không bao giờ đáp ứng được mong muốn của thành phố. Do đó, thành phố cần được phân cấp những vấn đề gì thì phải tự đề nghị, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng xem xét quyết định.
“Một người đang có quyền quyết việc này, mà bảo tự bỏ quyền đó ra để chuyển cho cấp dưới là cả quá trình về nhận thức, tư duy và giác ngộ trong đẩy mạnh phân cấp”, ông nói và cho rằng địa phương cần chủ động đề xuất các lĩnh vực được tự quyết định lên Chính phủ, thay vì báo cáo các bộ, đợi các bộ báo cáo Chính phủ.
Đi sâu vào dự thảo Nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP HCM, ông Tuấn cho rằng những lĩnh vực mà thành phố đề xuất chưa thể hiện được tinh thần phân cấp mạnh mẽ, mà lại phải lấy ý kiến của bộ, ngành. “Làm sao bãi bỏ tình trạng giao thẩm quyền, phân cấp cho địa phương rồi nhưng vẫn phải xin ý kiến trước khi quyết định, gây mất nhiều thời gian, cơ hội”, ông nói.
Đồng tình, PGS. TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đề nghị dự thảo lần này phải soạn “khéo léo” xin một lần để Chính phủ, Thủ tướng phân cấp, phân quyền về cho TP HCM, không phát sinh tình trạng “có việc lại phải đi xin ý kiến 23 bộ, ngành”.
Lấy ví dụ, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyên gia này cho rằng nếu không phân cấp cho TP HCM quyết định mà chờ thông tư hướng dẫn thì Nghị quyết 98 sẽ hết hiệu lực. Do đó, trong Nghị định phân cấp quản lý, thành phố cần thêm các phụ lục với tiêu chí, điều kiện quy trình rõ ràng. TP HCM cần có quyền ban hành quy định tương tự thông tư để “mọi chuyện được quyết một lần”.
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Văn Thới, quyền giám đốc Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP HCM, cho rằng trong nghị định cần làm rõ cái nào Chính phủ giữ lại, chỗ nào phân giao về cho thành phố và để địa phương tự quyết định, chịu trách nhiệm.
“Cần phải làm rõ để đảm bảo rằng phân cấp, phân quyền không bị vô hiệu bởi các thông tư của bộ”, ông Thới nói và đề nghị Chính phủ cần có cơ chế đảm bảo để tránh sự can thiệp của bộ, ngành vào những nội dung đã phân cấp cho TP HCM.
Tại buổi góp ý, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ, nói rằng Thủ tướng yêu cầu giao trình dự thảo Nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP HCM ngay trong tháng 1 “tức là rất cấp bách”.
“Tinh thần là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhất cho thành phố”, đại diện Bộ Nội vụ nói và cho rằng ngay cả khi bộ, ngành có quan điểm níu kéo, không muốn giao quyền cho địa phương nhưng nếu TP HCM thuyết minh mình đủ điều kiện, năng lực triển khai thì Bộ Nội vụ sẽ đồng hành.
Lê Tuyết