Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 7% và với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng tăng ít nhất khoảng 10%.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bài học trong năm 2023, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về đảm bảo điện, tổng thể nguồn điện không thiếu song việc thực hiện còn chưa quyết liệt, điều hành có hạn chế nên xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số thời điểm, một số nơi; gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân, ảnh hưởng uy tín đối với các nhà đầu tư.
Do đó, để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải có chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành thảo luận phân tích kỹ tình hình sản xuất, nhập khẩu điện; nhu cầu sử dụng điện; rà soát năng lực cung ứng điện của các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời; việc triển khai các dự án điện về nguồn điện, lưới điện; việc chuẩn bị cung ứng các nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất điện như than, khí…
Đại diện các bộ, ngành đề xuất cùng với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án hiện có, cần bổ sung thêm các dự án nguồn điện, lưới điện mới, tăng nguồn cung điện để chủ động hơn, bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực hiện đúng cam kết đã đề ra về bảo đảm cung ứng điện, đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định năm 2024 không thiếu điện dù mức tiêu thụ tăng khoảng 11-13% so với năm 2023. Việc bảo đảm đủ điện rất quan trọng để thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam giải ngân 17 tỷ USD vốn FDI, cao nhất trong nhiều năm.
Thủ tướng hoan nghênh các Tập đoàn: Điện lực, Dầu khí, Than – Khoáng sản, các tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, các cơ quan có liên quan đã nỗ lực, góp phần vào kết quả nói trên, trong bối cảnh các nguồn điện không có nhiều thay đổi nhưng điều hành đã tốt hơn từ việc rút kinh nghiệm của năm 2023 và các biện pháp về cán bộ đã mang lại hiệu quả.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương thời gian qua, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là “thần tốc” hoàn thành đường dây 500 kV Quảng Trạch – Phố Nối trong hơn 6 tháng, góp phần bổ sung nguồn cho miền Bắc.
Về năm 2025, theo các báo cáo, với nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, cần phải tăng thêm từ khoảng 2.200- 2.500MW công suất, Thủ tướng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn và yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025 với các giải pháp cụ thể.
Theo đó, khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được Chính phủ ban hành; trong ngày hôm nay (19/10) phải ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống; trong đó đẩy mạnh khai thác than nội địa với kế hoạch dài hạn, đồng thời nghiên cứu việc nhập khẩu than từ Lào, giảm nhập khẩu từ các nguồn khác.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các biện pháp nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, các đường dây tải điện từ Lào và Trung Quốc về phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên phải hoàn thành trong thời hạn 6 tháng, đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống phải hoàn thành trong năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và sửa đổi các thông tư liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện lực theo hướng vừa quản lý được chặt chẽ, vừa kiến tạo không gian phát triển, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ xin cho, quan liêu bao cấp, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ.
Với giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty căn cứ ước tính nhu cầu điện tăng khoảng 12-14% để xây dựng, triển khai các kịch bản về nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý một số nội dung cụ thể liên quan việc đa dạng hóa các nguồn điện, bảo đảm các nguồn điện nền, chuyển dần từ điện than sang sản xuất điện sạch, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Cùng với đó, hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tích cực phát triển hệ thống tích điện, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan các dự án điện tái tạo đang gặp vướng mắc.
Về thủy điện, Thủ tướng yêu cầu điều tiết các hồ chứa hài hòa giữa nhu cầu tưới tiêu và bảo đảm phát điện cho cao điểm mùa khô tại miền Bắc.
Về điện khí, Thủ tướng yêu cầu đón dòng khí đầu tiên từ dự án khí Lô B-Ô Môn vào cuối năm 2026; tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII.
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của EVN, PVN…, Thủ tướng tin tưởng rằng với các giải pháp đồng bộ, cách làm đổi mới, tích cực, chủ động, sáng tạo của các chủ thể liên quan, chúng ta sẽ đồng thời thực hiện được các mục tiêu: Vừa bảo đảm đủ điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo; vừa đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, quyết tâm, quyết liệt chuyển sang điện sạch, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu; vừa bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế, thu nhập, khả năng chi trả của doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/khong-de-thieu-dien-nhung-nam-tiep-theo-trong-bat-cu-hoan-canh-nao.html