Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa tích cực trong đời sống, Bộ Tài chính cũng đã có các kịch bản kiềm chế lạm phát và tránh việc tăng giá bất hợp lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Trong cuộc họp mới nhất của Ban chỉ đạo điều hành giá, Tổng cục thống kê hay Bộ Tài chính đều đưa ra dự báo CPI bình quân cả năm sẽ dao động trong khoảng từ 3,7 – 4,5%, và nửa đầu năm, về cơ bản những diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu vẫn nằm trong kịch bản đặt ra.
Trước tiên là xăng dầu, giá có xu hướng tăng trong 4 tháng đầu năm sau đó giảm trở lại từ cuối tháng 4 cho đến nay, và đã về mức gần tương đương so với đầu năm. Trên cơ sở đó, giá dịch vụ vận tải, như mặt bằng chung giá vé máy bay cũng đã hạ nhiệt so với giai đoạn cao điểm. Theo Bộ Giao thông Vận tải, giá vé của các hãng trong tháng 5 dao động ở mức từ 30-70% mức tối đa theo quy định. Đã nỗ lực để có thêm nhiều dải giá phục vụ cho mùa du lịch hè tới đây.
CPI tháng 4 và tháng 5 chỉ tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước, chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương, tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh, cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ. Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 cũng làm tăng nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, du lịch song chỉ số giá các nhóm này cũng chỉ nhích tăng chút ít.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, trong 7 tháng cuối năm năm, trung bình CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39 – 0,6% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong mức mục tiêu đề ra.
Chủ động phương án kiểm soát giá cả hàng thiết yếu
Kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các Bộ ngành, mà cả các địa phương trên cả nước, đặc biệt tại những địa phương là đầu tàu kinh tế. Ghi nhận tại 1 trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu cả nước, TP Hồ Chí Minh.
Tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đồ khô, rau xanh, thịt cá tươi được niêm yết giá công khai, để người tiêu dùng tiện theo dõi.
“Các mặt hàng được niêm yết giá thì rất yên tâm. Không sợ nói thách giá. Mình có thể tính toán để mua nhiều mặt hàng hơn”, chị Trần Thị Tú Trinh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Hiện giá cả hàng hóa biến động nhẹ ở một số nhóm hàng, chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài như tỷ giá, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics. Các nhà bán lẻ cho biết, chiến lược kinh doanh giai đoạn này là mua hàng tận nguồn, mua với số lượng lớn để có giá tốt.
Ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc thu mua hệ thống MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã ký với khoảng1.400 nhà cung cấp với 200 nhà cung cấp chiến lược. Chúng tôi có chương trình bình ổn giá cho hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu, hướng trực tiếp tới các sản phẩm rau, củ, quả cá thịt”.
“Bình ổn giá tốt, thu hút người ta mua được giá tốt mà chất lượng cũng tốt. Tôi mua cũng nhiều, mua cho cả tuần rồi tuần sau lại đi tiếp”, chị Nguyễn Thị Phương Loan, TP Hồ Chí Minh cho hay.
Chương trình bình ổn thị trường là công cụ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc kiểm soát giá tại TP Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu quý II, đã có 3/10 nhóm hàng đề nghị giảm giá là thịt gia cầm, trứng gia cầm và thực phẩm chế biến, giảm 2-7%. 6/10 nhóm hàng giữ nguyên giá. Đảm bảo giá thấp hơn giá thị trường 5-10%.
Doanh nghiệp trứng gia cầm cho biết, đã chủ động cải tiến sản xuất để đảm bảo giá cho chương trình bình ổn.
Ông Trương Chí Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt co hay: “Công ty đầu tư 2 dây chuyền mới đưa vào sản xuất, độ tự động hoá cao hơn, giảm tỷ lệ hao hụt làm nứt, bể trứng. Giảm các chi phí không trực tiếp như quảng cáo, tiếp thị”.
“Doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm đều có sự chuẩn bị nguyên vật liệu gối đầu cho sản xuất từ 3-6 tháng. Chúng tôi không tăng giá đột biến mà duy trì giá bán như hiện nay để tăng lên mua trên thị trường và tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi”, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết.
Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm vừa được giảm từ 1-2%, cộng với hàng loạt chính sách từ Chính phủ như giãn hoãn nợ, giãn thời gian nộp thuế, giảm 2% VAT, cũng là những công cụ giúp việc kiểm soát giá được chủ động và thuận lợi hơn.
Trong giai đoạn tới, liên quan đến đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức và 15% cho người lao động đã nghỉ hưu, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu đảm bảo đời sống cho người hưởng lương. Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa tích cực trong đời sống, Bộ Tài chính cũng đã có các kịch bản kiềm chế lạm phát và tránh việc tăng giá bất hợp lý. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã nhấn mạnh, theo thống kê từ trước tới nay, việc tăng lương cơ sở vào ngày 01/07 sẽ không có tác động nhiều tới việc tăng giá cả, hàng hoá.
Ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Thanh tra kiểm tra thị trường theo quy định Luật giá mới ban hành, chống đầu cơ lũng đoạn, thao túng giá. Tôi cho rằng thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội thích ứng việc tăng lương và không có nhiều tác động tâm lý từ việc tăng lương, tác động tới lạm phát”.
Điều hành giá theo sát diễn biến thế giới
Tuy vậy, để kiểm soát lạm phát bình quân trong mục tiêu Quốc hội đặt ra từ 4-4,5% là nhiệm vụ thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu quốc tế hay giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá đường biển còn có thể biến động khó lường. Mấu chốt là nội tại nền kinh tế đang ghi nhận đà phục hồi tích cực.
Có ý kiến từ đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã có sự cân bằng linh hoạt giữa tăng trưởng và lạm phát, qua đó tiếp tục theo đuổi mục tiêu hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế.
Ông Hoàng Văn Cường – Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Chúng ta không quá là phải ép giá xuống thấp, chính nhờ đó nhìn thấy tốc độ kinh tế phục hồi thời gian qua rất tốt, mà nó không ảnh hưởng đời sống người dân. Để thấy rằng Chính phủ có đủ tiềm năng kiểm soát các giá hàng hoá trên thị trường, kể cả những hàng hoá rất nhạy cảm”.
Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng mới đây, đại diện Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nhóm giải pháp nhằm tiếp tục kiểm soát chặt biến động lạm phát từ nay tới cuối năm.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Thứ nhất tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường, mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Thứ 2 đảm bảo các biện pháp cung ứng lưu thông hàng hoá. Thứ 3 là chú trọng kê khai niêm yết giá. Chuẩn bị sớm các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Thứ 4 điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo mục tiêu đề ra, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa”.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.
Trong Công điện vừa ban hành, Thủ tướng cũng giao nhiều nhiệm vụ cho các Bộ, ngành về công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng cụ thể như xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng, vận tải hàng không, dịch vụ giáo dục, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường. Các bộ ngành có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng kịch bản điều hành giá và tác động tới lạm phát trước ngày 30/6.
Theo VTV
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/khong-de-tang-gia-bat-hop-ly-khi-tang-luong/20240625092238614