Trình phương án chiếu ánh sáng nghệ thuật chợ Bình Tây vào ban đêm
Sáng 26.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cùng đoàn công tác làm việc với UBND Q.6 về đề án “Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn quận.
Đề án này được UBND Q.6 trình hồi đầu năm 2023, sau đó UBND TP.HCM giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở ngành góp ý để hoàn chỉnh.
Phố đêm Chợ Lớn tổ chức trên vỉa hè của 4 tuyến đường: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình với tổng diện tích hơn 1.500 m2. Điểm thuận lợi để tổ chức phố đêm là vỉa hè đường Tháp Mười và đường Nguyễn Hữu Thận rộng 8 m, đa phần là hộ kinh doanh chỉ bán sỉ ban ngày, tối đóng cửa. Do ít hộ dân sinh sống nên khi tổ chức các hoạt động văn hóa sẽ không ảnh hưởng đến người dân.
Từ tháng 4.2022, Q.6 thử nghiệm mô hình phố đêm với quy mô nhỏ trước chợ Bình Tây. Ngoài ẩm thực, nơi đây còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật vào dịp cuối tuần.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6 cho biết, ban ngày, chợ Bình Tây nhộn nhịp nhưng đến 18 giờ thì lắng xuống, thấy không gian lãng phí nên địa phương lên ý tưởng tổ chức phố đêm.
Trước khi lập đề án, Q.6 khảo sát nhiều phố đêm của các quận ở TP.HCM cũng như tìm hiểu mô hình thành công của các nước trong khu vực. Mục tiêu địa phương hướng đến không chỉ thu hút khách đến ăn uống, nhìn chợ mà còn có sự tương tác.
Hiện Q.6 cũng đã trình Sở VH-TT phương án trình chiếu ánh sáng nghệ thuật chợ Bình Tây vào ban đêm để tạo điểm nhấn.
“Quận làm phố đêm không phải làm để lấy điểm hay làm theo phong trào. Chúng tôi làm chậm mà chắc, để khi phố đêm hoạt động rồi thì luôn sáng đèn”, bà Thảo nói. Dù vậy, lãnh đạo quận cũng nhìn nhận, khu vực nào có sẵn các hộ kinh doanh rồi phát triển lên sẽ dễ ổn định hơn, còn loại hình mới thì sẽ mất nhiều công sức, duy trì vất vả.
Về lộ trình thực hiện, Q.6 sẽ chỉnh trang vỉa hè các tuyến đường trên để vận hành chính thức trong năm 2024.
Tạo điểm nhấn cho phố đêm
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nêu thực tế, tại thành phố có những mô hình phố đêm rất thành công như đường Hồ Thị Kỷ (Q.10) thu hút người trẻ đến đông đúc nhưng cũng có phố đêm sức sống không bền.
Ông Dũng ủng hộ chủ trương mở phố đêm khu vực chợ Bình Tây, đồng thời đề nghị Q.6 đánh giá kỹ thêm một lần nữa, chú ý đảm bảo hạ tầng như điện, nước, chỗ giữ xe, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Địa phương phối hợp Sở GTVT, Sở Xây dựng thống nhất đầu mối quản lý, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, Phó chủ tịch TP.HCM yêu cầu không để phố đêm thành phố nhậu.
Về đơn giá cho thuê, Phó giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú cho rằng cần khảo sát giá thuê thị trường, tổ chức đấu giá thuê vị trí để tránh khiếu nại phát sinh sau này.
Nguồn thu từ đấu giá sẽ được nộp ngân sách. Ông Phú đề nghị Ban Quản lý chợ Bình Tây hằng năm xây dựng dự toán chi để cấp ngân sách cho công tác vận hành phố đêm, không nhập nhằng giữa quản lý chợ với quản lý phố đêm.
Đại diện Sở Du lịch đánh giá, nhu cầu ẩm thực cũng đã bão hòa nên nếu chỉ tập trung bán đồ ăn, thức uống mà không có điểm nhấn sẽ khó thu hút khách. Chưa kể, cách chợ Bình Tây không xa đã có phố ẩm thực Hậu Giang cũng trên địa bàn quận.
Vị này dẫn chứng, chợ Bến Thành có hoạt động ngoài ẩm thực như check in, hoạt động văn hóa, văn nghệ. “Phải có hoạt động cho khách tham gia vào đó để tăng sự lôi cuốn. Có thể đưa các nghề thủ công ra đây để trải nghiệm. Thay vì chỉ bán món ăn thì có khu vực hướng dẫn làm món ăn đó, trải nghiệm một vài công đoạn trong đó”, đại diện Sở Du lịch gợi ý.